Khối tài sản khủng của gia đình bà Thoa do đâu mà có?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi được đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia kinh tế và nhân dân mong muốn có câu trả lời từ các cơ quan chức năng về khối tài sản khủng của gia đình bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, một trong những người có “công” trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh (bà Thoa vừa bị kỉ luật về việc này) những ngày qua.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Những phần trăm sở hữu toàn là con số có 7 chữ số (hàng triệu) cổ phiếu, đọc hoa cả mắt, trẹo cả mồm mép. Rất may là trong bài “Gia đình Thứ trưởng Công Thương và khối tài sản khủng tại Bóng đèn Điện Quang” đăng trên Dân trí, Nhà báo Phương Dung cho biết con số cụ thể, đó là 11,78 triệu cổ phiếu DQC với số tiền lên đến 718 tỉ đồng.

Con số 718 tỉ đồng này mới chỉ riêng trị giá cổ phiếu tại Bóng đèn Điện quang, chưa kể những tài sản khác và có thể, còn ở nơi khác. Nên biết đâu, con số phải lên đến cả ngàn tỉ đồng? Đây là khối tài sản khổng lồ, làm giật mình không chỉ những người lao động mà có lẽ, không ít đại gia cũng phải ngả mũ kính nể.

Trả lời báo chí, Bộ Công Thương cho biết: "Số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng".

Tuy nhiên, kê khai tài sản là một chuyện và dư luận không băn khoăn, thắc mắc về điều này mà đặt câu hỏi “ở đâu ra mà lắm thế nhỉ?” như lời của ông Nguyễn Bá Sơn – Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng: “Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp. Khi dư luận đã nghi ngờ thì cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề và trả lời cho dư luận: số tiền trên có hợp pháp hay không, nó hình thành từ nguồn nào?”.

Cùng có quan điểm như ĐB Sơn, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng giữa công việc công tư như thế có thể thấy rất lộn xộn, không bình thường, dễ bị lợi dụng, không vô tư. “Cái người ta nghi ngờ là làm công ăn lương như thế, kinh doanh gì, nộp thuế má ở đâu mà hình thành lên nhiều cổ phiếu, cổ phần như thế. Cứ truy ngược lại thì có thể xử lý…. Bây giờ phải khai báo cụ thể tài sản hình thành từ đâu như được cô em họ cho như ông Trần Văn Truyền, hoặc vớ được cục vàng phải khai báo Nhà nước và nộp thuế, hoặc trúng xổ số thì cũng phải nộp thuế. Về cơ bản phải đóng thuế thu nhập thì mới có tài sản hợp pháp được, còn nếu không thì là tham nhũng, bất hợp pháp mới có số tiền lớn như thế. Trừ trường hợp trước kia tôi mua cổ phiếu 1 đồng bây giờ nó thành 10 đồng do tăng giá, chứ còn đâu mua đi bán lại cổ phần cũng phải nộp thuế". Ông Đức nói.

Thậm chí, Đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, với những thông tin báo chí nêu thời gian qua, cần làm rõ quá trình thâu tóm cổ phần tại Công ty CP Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng như làm rõ việc điều hành với tư cách Thứ trưởng có làm lợi cho công ty mà gia đình bà Thoa đang sở hữu cổ phần lớn.

Tuy nhiên, để “truy ngược” như đề xuất của LS Đức hay “làm rõ” như quan điểm của VAFI thì theo ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho biết thuộc về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải kiểm tra thông tin trên thì mới xác định số tài sản trên thì mới kết luận chính xác được.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Trước hết, UBKT Trung ương cần phải tiếp tục vào cuộc để kiểm tra và làm rõ nguồn gốc tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa xem nguồn gốc từ khi tiến hành cổ phần hóa cũng như trong quá trình quản lý các lĩnh vực có liên quan tới tới DQC của bà Thoa. Đồng thời, cần làm rõ khi cổ phần hóa tại sao bà Thoa và gia đình lại có nhiều cổ phần DQC đến thế, có hiện tượng mua gom cổ phiếu, vơ vét cổ phiếu DQC hay không? Khi có đẩy đủ thông tin thì mới làm rõ được việc bà Thoa có vi phạm luật hay không?”

Có lẽ trên tinh thần công khai, minh bạch, các cơ quan chức năng nên làm rõ số tài sản của gia đình bà Thứ trưởng Thoa. Nếu đây là tiền là tiền mồ hôi, do công sức lao động của bà và gia đình thì cũng nên làm rõ, công khai và minh bạch. Tất nhiên, nếu không phải do công sức hoặc có biểu hiện lợi dụng chức quyền để trục lợi làm giàu cũng phải làm rõ và xử lý theo Luật Phòng chống tham nhũng.

Không nên để đồng tiền của “cô em họ” hay do “làm thối móng tay” lẫn lộn với đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân. Sự minh bạch này không chỉ có lợi cho cá nhân bà Thoa mà còn tạo dựng thêm niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng và xây dựng một Chính phủ liêm chính hiện nay, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám