Chả lẽ “sáng đúng, chiều sai, mai lại… đúng”, thưa Bộ trưởng?
(Dân trí) - Người dân cần một sự công khai, minh bạch, đúng chất lượng, đúng giá tiền và luôn hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu xử lý các đối tượng quá khích, có hành vi chống đối và lập lại trật tự tại các trạm BOT. Đặc biệt là nghiêm khắc xử lý đối với các đối tượng xấu, lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư.
Nội dung Công điện là cấp thiết và hoàn toàn đúng đắn bởi việc phản ứng thái quá, thậm chí với những hành vi phạm pháp luật nếu không kiên quyết ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một chủ trương đúng đắn, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước vì giao thông được ví như "huyết mạch" của mỗi quốc gia. Đây là điều không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, đã hơn một lần, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại các dự án BOT bởi theo tinh thần công điện “các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT đã có một số tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục để bảo đảm các mục tiêu phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hình thức đầu tư này” như nội dung Công điện.
Có thể nói, đây vấn dề cốt lõi bởi thực tế cho thấy, không ít dự án BOT đã bị lợi dụng. Việc buộc phải giảm phí BOT tại một số dự án vừa qua đã minh chứng cho điều này hay nói khác đi, nếu không có những phản ứng của người dân thì chắc chắn không có việc giảm giá này và cũng chưa chắc đã có cuộc rà soát lại một số BOT như chủ trương.
Song, trả lời báo chí đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định “Không có trạm thu phí đặt nhầm chỗ!” và giải thích “Làm gì có chuyện không tính. Tuy nhiên, thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy. Bây giờ, chính sách thay đổi nên cảm thấy không còn hợp lí. Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí. Ngay từ đầu là phải chuẩn”… thì không thật sự thuyết phục bởi mấy lý do.
Thứ nhất, ban đầu ông Thể khẳng định là đã có sự tính toán. Thế nhưng tính toán kiểu gì mà lại “thời điểm đó là hợp lý, thời điểm đó chủ trương là vậy nên làm vậy” để rồi khi chính sách thay đổi thì… không còn hợp lý nữa?
Thứ hai, Bộ trưởng nói “Không bao giờ có chuyện nhầm, nhầm là sai từ đầu, còn ở đây không phải là sai từ đầu mà là do thời điểm nên không còn hợp lí” rồi lại khẳng định “Ngay từ đầu là phải chuẩn” thì thành thật là nó… quẩn quanh thế nào ấy.
Thứ ba, chính sách cũng do Bộ GTVT ban hành hoặc tham mưu, đề xuất và thay đổi cũng do Bộ GTVT ban hành hoặc tham mưu, đề xuất. Nay Bộ GTVT đưa ra chính sách này, mai cũng Bộ GTVT đưa ra chính sách kia rồi lại đổ cho nguyên nhân khách quan… chính sách thay đổi thì khó có thể nói khác, “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”.
Tóm lại, dù bất cứ lý do gì thì cũng không thể làm hỏng một chủ trương đúng đắn để phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và nhà đầu tư.
Muốn vậy, cần phải thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng về lập lại trật tự đồng thời rà soát lại tất cả các BOT đã thực hiện, bởi hiện nay "Thực chất các dự án BOT là huy động tiền từ ngân hàng, không khéo sẽ có các rủi ro tài chính rất lớn” như lời của Bí thư Đà Nẵng đồng thời là người tiền nhiệm của Bộ trưởng Thể - ông Trương Quang Nghĩa trả lời cử tri Đà Nẵng.
Người dân cũng mong muốn cái nào là “của anh, của em” như lời ông Nghĩa: “Khi đưa ra quyết toán sẽ phản ánh một số vấn đề chi tiêu, quan hệ như thế nào? Dự án của ai, của anh hay của em đều lộ hết ra”.
Tóm lại, người dân cần một sự công khai, minh bạch, đúng chất lượng, đúng giá tiền chứ không muốn “ăn không” của ai như lời một vị Bộ trưởng tiền nhiệm:“Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.
Người dân luôn hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai, song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.
Bùi Hoàng Tám