Góc nhìn thú vị của dân đầu tư bất động sản: Sau sốt vàng sẽ là sốt...đất

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chia sẻ dưới góc nhìn một nhà đầu tư bất động sản, TS. Nguyễn Đức Hưởng - cựu Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng cuối năm 2021, thị trường BĐS không những trầm lắng mà còn “sốt”.

Góc nhìn tươi sáng giữa bối cảnh thị trường bất động sản đang vô cùng âm u bởi dịch Covid-19 được ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” do BizLIVE tổ chức vừa diễn ra hôm qua (29/8).

Ông Hưởng cho rằng việc kiểm soát tốt đại dịch khiến Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư. “Tôi biết có nhiều bạn bè đã đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam”, ông Hưởng nói.

Tiết lộ mình là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, cựu chủ tịch LienVietPostBank cho rằng các hoạt động bất động sản năm nay sẽ chậm lại nhưng từ cuối năm 2021 sẽ khởi sắc.

Góc nhìn thú vị của dân đầu tư bất động sản: Sau sốt vàng sẽ là sốt...đất - 1

Ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới”.

“Sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất”, ông Hưởng chia sẻ góc nhìn vô cùng lạc quan. Ông này cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân không nên đầu tư vào bất động sản theo kiểu "nghe ngóng". "Nếu cứ quan niệm ở liều gặp lành thì chết", ông Hưởng nói.

Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng chia sẻ về quan điểm về đầu tư bất động sản thời điểm này. Đa số đều cho rằng, đầu tư bất động sản cần xác định tầm nhìn trung dài hạn. Còn lướt sóng, đầu cơ ăn ngay trong thời điểm này là rất khó. 

"Ở lĩnh vực bất động sản, trong ngắn hạn cần cẩn trọng nếu lướt sóng đầu tư bởi trong 12 tháng tới thị trường tương đối khó khăn. Tôi cho rằng, bất động sản không còn dành cho nhà đầu tư ngắn hạn, kiếm tiền không bền vững thì rất nhanh mất cả vốn lẫn lãi. Chúng ta cần nhớ rằng bất động sản là cuộc chơi của trung và dài hạn", ông Đặng Văn Quang - Giám đốc JLL Việt Nam nói.

Còn chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực lưu ý thêm, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để đầu tư bất động sản hay tập trung vào một lĩnh vực mà nên phân chia đầu tư.

Cần sớm có những hỗ trợ cho thị trường bất động sản

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng khó có thể phủ nhận đang diễn ra những khủng hoảng đối với thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, khó khăn thị trường BĐS Việt Nam hiện nay không phải đến từ nội tại mà đến từ các yếu tố bất ngờ ập đến như Covid-19 hay vẫn là câu chuyện pháp lý.

“Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn mọi nguồn lực đều khuyến khích phát triển, khi thị trường phát triển mạnh thì lại bộc lộ những yếu điểm của chính sách, pháp luật. Nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở các địa phương”, ông Đính nêu bất cập.

“Tuy nhiên, ông Đính cũng dự báo bất động sản sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác. Điều này đã minh chứng sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch.

Còn theo quan điểm của chuyên gia Cấn Văn Lực, cần sớm có những hỗ trợ cho thị trường bất động sản bởi ngành này có tính lan tỏa rất lớn, liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, trong đó trực tiếp liên quan đến du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng.

“Liên quan đến tác động của Covid-19, chúng tôi đánh giá tác động này là rất lớn. Mỗi khi nền kinh tế khó khăn thì hai lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất là chứng khoán và bất động sản”, ông Lực nói.

Tuy nhiên theo nhìn nhận của ông Lực, trong nguy có cơ, thị trường vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng với một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở và hậu cần.