Long An:

Vụ "xẻ thịt" đất nông nghiệp gây chấn động: Trách nhiệm chỉ ở cấp xã?

(Dân trí) - Tình trạng đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" ồ ạt tại xã Long Thượng đang khiến nhiều ban ngành "đau đầu" tìm hướng xử lý, khắc phục. Nhưng nếu những sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, xây dựng tương tự lại xảy ra ở nơi khác thì ai chịu trách nhiệm trước dân? hay cũng chỉ kỷ luật vài "quan xã"?

Vụ "xẻ thịt" đất nông nghiệp gây chấn động: Trách nhiệm chỉ ở cấp xã? - 1

Nếu đất nông nghiệp tiếp tục bị "xẻ thịt", những ai phải chịu trách nhiệm, hay chỉ kỷ luật vài "quan xã" cho qua chuyện?

Trong cuộc họp báo mới đây do ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc chủ trì với sự tham dự của Thường trực HĐND huyện và Thường trực Huyện ủy và nhiều phòng ban chuyên môn của huyện Cần Giuộc, các cơ quan báo chí tham dự đều có chung câu hỏi: Trước đây ở nhiều địa bàn xã khác từng xảy ra tình trạng "xẻ thịt" đất nông nghiệp ồ ạt, để lại hậu quả rất lớn. Sau đó, chính quyền phải cố gắng khắc phục và tiếp đến thì vụ việc tương tự lại xảy ra ở xã Long Thượng và các cơ quan quản lý tiếp tục bị động, không có biện pháp ngăn ngừa.

Vậy với vai trò là Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng và Thường trực HĐND huyện, Thường trực Huyện ủy cho biết, nếu dẹp được tình trạng "xẻ thịt" đất nông nghiệp ồ ạt vừa xảy ra tại xã Long Thượng mà nó lại xảy ra ở địa bàn khác thì sao? trách nhiệm của người đứng đầu đang ngồi đây họp, trao đổi thông tin với báo chí sẽ như thế nào? các anh có tự nhận trách nhiệm trước người dân, trước dư luận không? hay cũng chỉ đưa một vài cán bộ cấp xã ra để kỷ luật?

Trả lời những vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho biết, chính quyền đang lập lại kỷ cương, tới ngày 25/5, sẽ giao Chủ tịch xã kiểm tra, lập biên bản tất cả những trường hợp vi phạm. Sau ngày 25/5, sẽ có hình thức phê bình đối với những trường hợp lập biên bản muộn. Đồng thời, siết lại, tăng cường cơ sở, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tăng cường kỷ cương kỷ luật.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho rằng theo quy định quản lý đất đai, quản lý sử dụng đất trách nhiệm Chủ tịch xã.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho rằng theo quy định quản lý đất đai, quản lý sử dụng đất trách nhiệm Chủ tịch xã.

"Đã xử lý nghiêm ở Long Thượng thì phải xử lý ở những nơi khác, vậy mới công bằng, mới chấp hành. Có hai giải pháp đưa ra là về tư tưởng chính trị và với chức năng nhiệm của mình tới đâu sẽ làm tới đó, đặc biệt là nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật hành chính. Việc quy trách nhiệm cụ thể, theo quy định quản lý đất đai, quản lý sử dụng đất trách nhiệm Chủ tịch xã, trong thời tới, tôi căn cứ đúng trách nhiệm, làm hết trách nhiệm", ông Đức khẳng định.

Ông Nguyễn Anh Đức cũng khẳng định, chính quyền địa phương không "ém" hồ sơ sai phạm. Hiện huyện Cần Giuộc đang tiếp tục thanh kiểm tra, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Ông Phạm Hồng Kim, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giuộc cho rằng, nếu quy trách nhiệm cụ thể, hầu hết trách nhiệm, chức năng là của ông Chủ tịch xã do ông làm không tới nơi, tới chốn, không sát rồi dẫn đến những sai phạm đó. "Qua vụ việc lần này cũng là một bài học rất lớn của lãnh đạo huyện và xã chứ không phải ở đây Thường trực huyện uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện không có trách nhiệm. Nếu mà làm việc không được Tỉnh ủy cũng xử à, chứ sao để vậy hoài. Qua đợt này rồi, từng tổ chức, từng cá nhân với cương vị của mình phải làm hết chức năng quản lý nhà nước, đất đai thật tốt", ông Kim thông tin tại buổi họp báo.

Ông Phạm Hồng Kim, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giuộc cho rằng, nếu quy trách nhiệm cụ thể, hầu hết trách nhiệm, chức năng là của ông Chủ tịch xã do ông làm không tới nơi, tới chốn, không sát rồi dẫn đến những sai phạm đó.
Ông Phạm Hồng Kim, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giuộc cho rằng, nếu quy trách nhiệm cụ thể, hầu hết trách nhiệm, chức năng là của ông Chủ tịch xã do ông làm không tới nơi, tới chốn, không sát rồi dẫn đến những sai phạm đó.

Ông Kim cho biết thêm, về xử lý các sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai, xây dựng, trước đây nhiều Chủ tịch xã, cán bộ địa chính bị kỷ luật, cho thôi nhiệm vụ. Chỉ duy nhất xã Long Hậu, Công an mới điều tra ra, truy cứu hình sự được, bắt bỏ tù địa chính, tạm giam Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, tạm giam luôn 2 cán bộ địa chính của Phòng địa chính nhưng quá trình điều tra, Viện kiểm sát không truy tố, không thống nhất chuyện truy tố, không đủ cơ sở. Cuối cùng tòa chỉ xử, bỏ tù được 1 ông địa chính của xã Long Hậu.

"Tôi nói là làm rất quyết tâm nhưng muốn xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phải có chứng cứ. Điều tra không tới nơi, Viện kiểm sát cũng không truy tố được. Bên cạnh đó, nhu cầu áp lực về đất đai quá lớn, mấy tay đầu tư mình tạm gọi là cò, nó làm nó lời quá nên nhiều khi nó có thể quan hệ này nọ rồi anh em có suy nghĩ không chín chắn là dễ bị dính, có chút chút rồi đến mức độ nào đó gỡ không được là phải theo nó. Mình cũng đã xử lý. Nhưng đến xã Long Thượng thì đúng là quá mức, công tác quản lý thiệt tình không theo sát", ông Kim nhìn nhận.

Liên quan đến xử lý sai phạm tại xã Long Thượng, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Cần Giuộc đã thành lập hội đồng kỷ luật, kỷ luật với hình thức cách chức ông Tạ Văn Ngon - Bí thư Đảng ủy xã Long Thượng, ông Huỳnh Quốc Thắng - Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thượng và được giải quyết cho nghỉ việc theo nguyện vọng. Hai cán bộ địa chính xã Long Thượng cũng bị buộc thôi việc. Ngoài ra, UBND huyện Cần Giuộc cũng đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng.

Vụ "xẻ thịt" đất nông nghiệp gây chấn động: Trách nhiệm chỉ ở cấp xã? - 4
Vấn đề xử lý cơ sở hạ tầng, môi trường sống tại nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn xã Long Thượng gặp khá nhiều khó khăn, nan giải.
Vấn đề xử lý cơ sở hạ tầng, môi trường sống tại nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn xã Long Thượng gặp khá nhiều khó khăn, nan giải.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, các điểm phân lô, điểm dân cư tập trụng từ hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất hình thành. Những "ông trùm" phân lô này thực hiện việc đầu tư khu dân cư với hình thức: Chủ đầu tư thuê người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó tiến hành hợp thửa, phân lô để chuyển nhượng cho người dân có nhu cầu hoặc tiến hành xây dựng nhiều căn liền kề giống nhau rồi mới chuyển nhượng…

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên