Bài 4:

Tài liệu bất ngờ vụ nhà chủ tịch thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng Sơn Động

(Dân trí) - Sự việc ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) để cho con là Phạm Văn Cương - Cán bộ tư pháp thị trấn phá hơn 26.000m2 rừng tiếp tục có diễn tiến bất ngờ khi phát lộ tấm giấy uỷ quyền do một vị phó chủ tịch xã Tuấn Mậu ký đóng dấu khi ông này còn chưa là… phó chủ tịch.

Ông Phạm Văn Thắng, trước đây là Trưởng công an thị trấn, nay đang làm chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn được nhà nước giao cho 14,5 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp tại lô A1, khoảnh 3 tại xã Thanh Sơn (nay thuộc thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu) và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N 763985 ngày 30/01/1999 để bảo vệ và chăm sóc.


Trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn nơi ông Thắng đang giữ cương vị chủ tịch, con trai là cán bộ tư pháp.

Trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn nơi ông Thắng đang giữ cương vị chủ tịch, con trai là cán bộ tư pháp.

Từ tố cáo của người dân về hành vi phá rừng của gia đình ông Thắng, ngày 19/4/2016, Hạt Kiểm lâm Sơn Động ban hành Quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo đối với ông Phạm Văn Thắng.

Ngày 13/5/2016, Tổ xác minh kết luận việc người dân tố cáo ông Thắng phá rừng tự nhiên trái pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, thủ phạm chính trong việc tổ chức phá rừng lại là con trai ông Thắng, tức Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp thị trấn). Tổng diện tích rừng bị phá là 26.056m2 xảy ra từ tháng 4/2014. Thời điểm phá rừng là năm 2014 khi ông Thắng đang giữ cương vị là Trưởng công an thị trấn Thanh Sơn.

Sở dĩ rừng được nhà nước giao cho ông Thắng quản lý nhưng khi vụ việc phá rừng vỡ lở Hạt kiểm lâm Sơn Động lại kết luận thủ phạm phá rừng là ông Phạm Văn Cương vì một tấm giấy uỷ quyền giữa ông Thắng và ông Cương.


Tấm giấy uỷ quyền được vị Phó chủ tịch Hoàng Văn Tuệ ký và đóng dấu xác nhận.

Tấm giấy uỷ quyền được vị Phó chủ tịch Hoàng Văn Tuệ ký và đóng dấu xác nhận.


Nhưng bất ngờ là phải 9 tháng sau đó, ông Tuệ mới được bổ nhiệm cương vị Phó chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu.

Nhưng bất ngờ là phải 9 tháng sau đó, ông Tuệ mới được bổ nhiệm cương vị Phó chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu.

Cụ thể, ngày 24/2/2014, khi còn làm Trưởng công an thị trấn Thanh Sơn, ông Phạm Văn Thắng đã làm giấy ủy quyền cho con trai Phạm Văn Cương được toàn quyền sử dụng 9,5 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp (trên tổng số 14,5 ha ông Thắng đứng tên) do nhà nước giao quản lý. Giấy ủy quyền này được Phó Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn thời điểm đó xác nhận.

Nhưng vì phần diện tích này không thuộc địa phận thị trấn Thanh Sơn mà lại nằm trên địa phận xã Tuấn Mậu nên đầu năm 2016 bất ngờ “phát sinh” ra một tấm giấy uỷ quyền do ông Hoàng Văn Tuệ - Phó chủ tịch xã Tuấn Mậu ký xác nhận vào đúng ngày 24/2/2014 nhằm thay thế cho giấy ủy quyền được Phó chủ thị trấn Thanh Sơn xác nhận trước đó cho khớp hồ sơ.

Tuy nhiên, sự việc tưởng rất giản đơn này lại trở thành chuyện nực cười bởi thời điểm tháng 2/2014, ông Hoàng Văn Tuệ chưa giữ cương vị Phó chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu. Phải đến ngày 14/11/2014, ông Tuệ mới chính thức là Phó chủ tịch xã Tuấn Mậu sau khi nhận Quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử chức danh này nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Nguyễn Quang Ngạn.

Như vậy, vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tại huyện Sơn Động tiếp tục phát lộ ra những chuyện lạ. Cùng với việc Hạt kiểm lâm Sơn Đông “kể khó” việc xử lý đến việc tấm giấy uỷ quyền “ma”.

Một vụ việc nhưng thể hiện cách quản quản lý rừng lỏng lẻo và tuỳ tiện tại huyện Sơn Động. Như một bạn đọc Dân trí đã đặt câu hỏi trong phần bình luận về những cánh rừng gỗ lim cổ thụ bạt ngàn tại huyện Sơn Động nay còn không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, trả lời bạn đọc.


Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động.

Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động.

Trao đổi với PV Dân trí về vụ phá rừng, ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết hành vi phá hơn 26.000m2 rừng đã được kết luận. Diện tích rừng bị phá nằm trong phần đất ông Phạm Văn Thắng được giao nhưng ông Cương (con trai ông Thắng) đứng ra nhận trách nhiệm.

Về hình thức xử lý với các đối tượng vi phạm pháp luật, ông Hiệu cho rằng hiện Hạt kiểm lâm huyện Sơn Động đang phối hợp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra xác định thời điểm gia đình ông Thắng phá rừng. “Việc xác định hiện trạng rừng bị phá hiện nay không thể thực hiện do khu vực này giờ đã thành đối trọc”, ông Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, vụ việc này không thể xử lý hình sự do diện tích rừng bị phá dưới 30.000m2 nên Hạt kiểm lâm Sơn Động không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an mà chỉ có thể xử phạt hành chính lỗi vi phạm. “Thế nhưng khó là thời hiệu xử phạt hành chính chỉ trong 2 năm nên nếu xác định gia đình ông Thắng phá rừng trước đó hơn 2 năm cũng lại không thể xử phạt được”. Như vậy đồng nghĩa với việc phá rừng của gia đình vị chủ tịch thị trấn Thanh Sơn có thể “trắng án” mà không cần toà tuyên.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế