Lò cao kháng chiến Hải Vân - Chiến tích một thời máu lửa!

(Dân trí) - Trong suốt thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ, máy bay địch hàng ngày bay trên bầu trời Đồng Mười. Chúng đánh phá, dội bom hàng chục lần trên đỉnh núi. Thế nhưng, khi bom địch nổ trên núi, trong lòng hang cán bộ, công nhân vẫn bình tĩnh vận hành lò cao cho ra đời hàng trăm tấn gang phục vụ kháng chiến…

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử đến nay, Lò Cao kháng chiến Hải Vân (xã Hải Vân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) – bảo tàng sống động về một chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam đã và đang được bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị.

Kỳ tích trong hang đá

Lò cao kháng chiến Hải Vân nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Di tích được đặt trong hang Đồng Mười giữa một thung lũng bao quanh là núi xanh trùng điệp và dòng sông Mực hiền hòa, thơ mộng.

Vào năm 1948, dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng, xưởng kim khí kháng chiến 3KC do Kỹ sư Võ Quý Huân (một trong những trí thức kiều bào theo Bác Hồ về nước khi Người sang Pháp năm 1946) được giao nhiệm vụ thiết kế và thi công lò cao luyện gang nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở Cầu Đất, huyện Con Cuông (Nghệ An), phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 15/11/1948, lò cao thí nghiệm do Kỹ sư Võ Quí Huân thiết kế thử nghiệm đã cho ra mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu một mốc son mới trong sự nghiệp công nghệ luyện kim và công nghiệp quốc phòng của đất nước.


Lò cao kháng chiến Hải Vân – nơi sản xuất hàng trăm tấn gang thép phục vụ kháng chiến.

Lò cao kháng chiến Hải Vân – nơi sản xuất hàng trăm tấn gang thép phục vụ kháng chiến.

Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở gây khó khăn trong vận chuyển và sinh hoạt, xí nghiệp được chuyển về vùng Cát Văn bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ An. Việc xây dựng đang tiến hành thuận lợi thì thực dân Pháp phát hiện, chúng liên tục ngày đêm cho máy bay ném bom, đánh phá.

Vào cuối năm 1949 lò cao được Cục Quân giới quyết định di chuyển về khu vực thung lũng Đồng Mười của huyện miền núi Như Xuân (nay thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa)- là một địa điểm thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu và đảm bảo tính bí mật.

Tháng 6/1950, các kỹ sư, công nhân bắt đầu xây dựng đồng thời 2 lò cao với ký hiệu NX1, NX2. Lò NX1 kích thước lớn có dung tích 6,7m3 để sản xuất gang và lò NX2 kích thước nhỏ có dung tích 1m3 để thử nghiệm.

Sau 15 tháng gian khổ vừa xây dựng, vừa vận chuyển từng viên gạch chịu nhiệt đến hàng trăm tấn máy móc và thiết bị từ Nghệ An ra và từ Ninh Bình vào, tháng 9/1951 lò cao đã hoàn thành tại thung lũng đồng Mười.

Ngày 12/9/1951, lò NX2 cho ra đời mẻ gang đầu tiên. Tiếp đó, ngày 7/11/1951, lò sản xuất NX1 được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên khói từ lò NX1 tỏa ra dày đặc, dễ bị địch phát hiện, lò đã phải dừng hoạt động, để đảm bảo an toàn, các công nhân và kỹ sư ở đây đã tiến hành đào một đường dẫn khói dài 500m nằm sâu dưới đất, có nhiều lỗ thông hơi để tản khói.

Đến ngày 21/12/1951, lò NX1 hoạt động trở lại và bắt đầu sản xuất liên tục. Chỉ sau 2 năm, lò NX1 và NX2 đã sản xuất và cung cấp gần 200 tấn gang cho các công binh xưởng ở Khu 4 để chế tạo vũ khí phục vụ cho các chiến trường đánh Pháp.

Hai Lò cao NX1 và NX2 đang hoạt động bình thường thì thực dân Pháp phát hiện nên đã cho máy bay liên tiếp ném bom đánh phá. Dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới và trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực địa, lãnh đạo xí nghiệp đã đi đến một giải pháp táo bạo là xây dựng một lò cao trong hang núi Đồng Mười cách đó chừng 2km.

Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong hang núi đá là vô cùng khó khăn, phức tạp về kỹ thuật và chưa có tiền lệ trên thế giới. Việc đó tưởng chừng không thể thực hiện được thế nhưng với lòng quả cảm, sự giúp đỡ của nhân dân, cán bộ, công nhân xí nghiệp một lần nữa lại vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 1/1953 các cán bộ, kỹ sư vừa sản xuất vừa tổ chức đánh mìn dọn hang, dọn đường, vừa di chuyển máy móc.

Để xây dựng, các kỹ sư, công nhân lò cao đã phải sử dụng trên 400 phát mìn để mở cửa hang; đồng thời nghiên cứu để đưa hệ thống lò vào hang núi với nhiều bộ phận máy móc như hệ thống xả hơi nước, xả hơi độc, hệ thống thoát khói phải thay đổi cho phù hợp với địa hình mới là một công việc hết sức khó khăn, kỹ thuật phức tạp. Nhưng bằng ý chí và nghị lực sáng tạo của đội ngũ kỹ sư và công nhân, cuối cùng lò cao có dung tích 8,3m3 cao 13m, tên gọi là NX3 đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong lòng hang núi đá Đồng Mười.

Việc lắp đặt thành công Lò cao NX3 đi vào vận hành sản xuất ổn định, mỗi ngày sản xuất ra trung bình 3 tấn gang cung cấp cho việc sản xuất vũ khí ở các chiến trường cũng đúng vào lúc quân và dân ta làm nên chiến thắng to lớn tại đèo Hải Vân (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), vì vậy cấp trên cũng đã quyết định cho đổi tên Lò Cao NX3 được mang tên là “Lò cao Hải Vân”.

Điều đáng khâm phục là trong suốt thời gian đó, máy bay địch hàng ngày bay trên bầu trời Đồng Mười. Chúng đánh phá, dội bom hàng chục lần trên đỉnh núi. Thế nhưng, khi bom địch nổ trên núi, trong lòng hang cán bộ, công nhân vẫn bình tĩnh vận hành lò cao cho ra đời hàng trăm tấn gang phục vụ kháng chiến.

Dấu ấn một chặng đường!

Sự ra đời của Lò cao kháng chiến Hải Vân đã đánh dấu một chặng đường phát triển không ngừng của ngành quân giới Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định những kỳ tích vĩ đại của cả một lớp tri thức trẻ đi theo Đảng và Bác Hồ, khẳng định sự sáng tạo, bản lĩnh phi thường của trí tuệ Việt Nam.

Đó là Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Kỹ sư Võ Quý Huân; lớp cán bộ, chiến sỹ, công nhân ngành quân giới đã trực tiếp tham gia sản xuất ở Lò Cao Hải Vân như: Giám đốc Trịnh Tam Tĩnh, kỹ sư Lê Huy Yêm, kỹ sư Lương Ngọc Khuê, kỹ sư Đặng Trần Cảnh, cán bộ kỹ thuật Trịnh Văn Yên, Nguyễn Văn Thân, Lê Quang Thiệu, Nguyễn Lễ, Hồ Đắc Liên...là lớp kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề đầu tiên có công đầu trong việc xây dựng, vận hành lò cao, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Trong quá trình xây dựng, vận hành Lò cao NX3 nhiều cải tiến mới được áp dụng như: dùng đá gres để thay thế gạch dinas cách nhiệt cho toàn than lò; dùng amiante cách nhiệt cho nồi lò; nước làm lạnh cho lò cao được sử dụng hệ tuần hoàn khép kín; khí của lò cao được sử dụng 100% cho lò gió nóng và nồi hơi cho 2 đầu máy xe lửa kéo máy phát điện 1000KW; việc nạp nhiên liệu được cơ giới hóa; hệ thống hút hơi độc bao gồm: quạt hút gió, cửa tự động, tường ngăn, các loa ống dẫn hơi độc ra ngoài hang cũng được nghiên cứu và ứng dụng thành công… Đây là những sáng tạo lớn của các cán bộ, kỹ sư trong điều kiện thiếu nguyên, nhiên liệu, kỹ thuật.

Từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954, tổng cộng lò NX1 và NX3 đã sản xuất được gần 500 tấn gang, kịp thời đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chế tạo vũ khí như mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazoka, chảo, nồi quân dụng…phục vụ các chiến trường. Đến tháng 12/1954, Lò Cao kháng chiến Hải Vân mới thực sự ngừng hoạt động.


Núi Đồng Mười – nơi có di tích lịch sử cách mạng Lò cao.

Núi Đồng Mười – nơi có di tích lịch sử cách mạng Lò cao.

Trong quá trình ra đời và phát triển, sản phẩm gang của Lò Cao được cung cấp để đúc lựu đạn, súng cối, đạn Bazoka, chảo, nồi quân dụng. Ngoài ra, còn để đúc những quả tạ 1.000 kg cho búa máy phục vụ giao thông sửa chữa cầu bị phá hoại trong chiến tranh.

Đó là một chiến công to lớn và ý nghĩa của nền công nghiệp luyện kim đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang của mình.

Lò Cao kháng chiến Hải Vân không những đóng góp trực tiếp cho nhu cầu cuộc kháng chiến mà còn góp phần phục hồi nền kinh tế miền Bắc trong những ngày đầu hòa bình lập lại sau cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Ngày 18/4/2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Lò Cao kháng chiến Hải Vân là di tích lịch sử quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Văn hóa huyện Như Thanh cho biết: “Để phát huy hiệu quả di tích lịch sử này, UBND huyện rất cần được sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương về nguồn vốn để tôn tạo lại một số hạng mục công trình của lò cao đã bị hư hỏng, mai một theo thời gian”.

“Lò cao lại nằm ở gần vườn quốc gia Bến en, là một tua du lịch trọng điểm của Thanh Hóa, vì thế, việc tôn tạo phát huy giá trị của di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân không chỉ giúp cho thế hệ trẻ thấy được những kỳ tích của cha ông ta trong những năm tháng kháng chiến ác liệt mà còn làm cho tua du lịch thêm hấp dẫn đối với du khách khi về thăm”.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm