Ba phút cùng luật sư:

Đi xe không “chính chủ” sẽ bị phạt từ 1/1/2017?

(Dân trí) - Nhiều bạn đọc lo lắng trước thông tin người đi xe không “chính chủ” sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, theo luật sư thì thông tin này chưa được hiểu chính xác.

Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên thư viện pháp luật, sẽ tư vấn cho bạn đọc rõ hơn về vấn đề này.

Đi xe không "chính chủ" có bị xử phạt hay không?

Hiện có nhiều bạn đọc thắc mắc là có phải kể từ ngày 1/1/2017 tới điều khiển xe không “chính chủ” sẽ bị phạt hành chính hay không? Mong luật sư giải đáp cho bạn đọc hiểu rõ quy định này.

Thời gian vừa qua dư luận một lần nữa xôn xao chuyện phạt vi phạm liên quan đế xe không “chính chủ”. Tuy nhiên, đây không phải là quy định mới là đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 34/2010/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”.

Theo luật sư Chánh, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”.
Theo luật sư Chánh, quy định này áp dụng đối tượng là chủ phương tiện khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không tiến hành thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, chứ không phải là “người điều khiển phương tiện”.

Như vậy, những trường hợp người điều khiển phương tiện xe của người thân, bạn bè hay mượn xe của người khác có bị phạt về lỗi này không thưa luật sư?

Tôi khẳng định là không có quy định nào xử phạt các trường hợp bạn nêu trên. Vì việc mượn, thuê xe… là quan hệ dân sự, không phát sinh thủ tục hành chính hay trách nhiệm hành chính trong các trường hợp này.

Do đó, trường hợp bạn bè mượn xe của nhau, vợ chồng đi xe của nhau, con cái lấy xe cha, mẹ để tham gia giao thông thì không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định” theo Điều 30 của Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ.

Vậy CSGT có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện đang lưu thông để kiểm tra xem xe có vi phạm việc sang tên đổi chủ không, thưa luật sư?

Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong 5 trường hợp như: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông….

Như vậy, cảnh sát giao thông không được phép dừng xe chỉ để kiểm tra lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định”. Mà chỉ có thể tiến hành xử lý lỗi vi phạm này trong quá trình giải quyết các lỗi vi phạm giao thông, hay qua công tác quản lý hồ sơ mà phát hiện.

Vâng, xin cảm ơn luật sư Nguyễn Đức Chánh và Thư viện Pháp luật đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)