1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đại biểu nói gì về thông điệp của lãnh đạo Mỹ - Trung tại APEC?

(Dân trí) - Các đại biểu đã có những nhận định khác nhau về thông điệp được gửi đi từ 2 bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC (CEO Summit).


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC (Ảnh: Lê Hoàng)

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC (Ảnh: Lê Hoàng)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/11 lần lượt đã có các bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC (CEO Summit), nơi gặp gỡ, trao đổi của các lãnh đạo thế giới với các giám đốc điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Thảo Griffiths, cựu trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam - người có gần 20 năm làm việc trong những lĩnh vực liên quan đến quan hệ Việt Mỹ, đã có mặt tại hội trường lắng nghe bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.

Mối quan hệ kinh tế lâu dài với khu vực

“Cả hội trường, trong đó có nhiều người quan chức và lãnh đạo cấp cao trong cả giới chính trị và doanh nghiệp, vỗ tay nồng nhiệt khi Tổng thống Trump nói Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tổng thống cũng khen ngợi sinh viên Việt Nam đứng trong hàng ngũ những sinh viên xuất sắc nhất thế giới”, bà Thảo chia sẻ.

Bà Thảo chú ý tới việc trong suốt bài phát biểu, Tổng thống Trump nhắc nhiều đến mối quan hệ kinh tế lâu dài giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do. Ông Trump cũng nhắc đến nhiều nước trong khu vực, khen ngợi Indonesia là quốc gia dân chủ lớn thứ ba trên thế giới, Philippines đang ngày càng thu hẹp khoảng cách giới, Trung Quốc đạt được sự thần kỳ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, còn Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đã trở thành những nền dân chủ với thu nhập cao. Ngoài những nền kinh tế APEC nằm ở châu Á, ông Trump còn nhắc đến Ấn Độ với vai trò một nền kinh tế đi đầu thế giới.

“Tổng thống Trump đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cần duy trì quyền đi lại tự do hàng hải và hàng không ở Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, bà Thảo cho hay.

Trong khi đó, ông Terry Clifford, người sáng lập kiêm chủ tịch Global Vision, nói ông vui và bất ngờ khi Tổng thống Trump phát biểu các vấn đề thương mại nói chung và với Trung Quốc nói riêng khi nói rằng ông không đổ lỗi cho Trung Quốc, không đổ lỗi cho ai mà cho rằng các quốc gia nên tự quan tâm lấy mình.

“Nhưng ông ấy đổ lỗi cho các tổ chức thương mại quốc tế về việc không giám sát hành động của các quốc gia riêng lẻ. Với tôi, đó là thông tin đáng chú ý”, ông Clifford nói.

“Ông Trump nói yêu mến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ thúc đẩy quan hệ với các quốc gia ở khu vực này. Ông nói Mỹ hưởng lợi từ các quốc gia Đông Á vì các quốc gia này sẽ nỗ lực hết mình vì lợi ích của mình. Ông Trump khuyên “Đông Á trên hết”, cũng như “Nước Mỹ trên hết”. Với tôi thì đó là tin mới và rất tốt lành”, ông Clifford nói.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cải cách kinh tế sau Đại hội 19?

Ông Alexei Chekunkov, Giám đốc Quỹ phát triển vùng Viễn Đông tại Nga, nhận định rằng bài phát biểu của Tổng thống Trump tập trung nhiều hơn vào chính sách "Nước Mỹ trên hết", trong khi bài phát biểu của ông Tập tập trung vào sự toàn cầu hóa mở.

“Tôi nhận thấy một khuynh hướng ngày càng gia tăng rằng Chủ tịch Trung Quốc đang năm lấy vị thế lãnh đạo toàn cầu để thúc đẩy trật tự thế giới mới mà ông ấy đã đề cập trong bài phát biểu của ông ấy vào tháng 1/2017”, ông Chekunkov nói.

Ông Chekunkov cho rằng, sau Đại hội Đảng 19, ông Tập Cận Bình có thêm quyết tâm để tiếp tục cải cách, thậm chí là bắt đầu một thời kỳ cải cách mới.

“Hi vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách và mở cửa. Đó có thể là con đường để hướng tới giải quyết các vấn đề mà ông Trump đã đề cập. Cơ bản là Trung Quốc tuyên bố trước tiên họ sẽ mở cửa các khu kinh tế tự do. Trung Quốc khá tự tin và tôi nghĩ Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế", ông Chekunkov nói.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Lê Hoàng)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Lê Hoàng)

Chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do: Quá rộng

Theo ông Chekunkov, nhà lãnh đạo Mỹ có bài phát biểu ấn tượng mà không cần nhìn văn bản. “Tôi nghĩ ông ấy là một chính trị gia thông minh. Ông ấy đã nhắc tới các câu chuyện lịch sử và đây là một điều thú vị đối với chính trị gia".

Ông Chekunkov nói rằng quan điểm cá nhân của ông là chính sách “Nước Mỹ trên hết” đi ngược với sự toàn cầu hóa và khác biệt với cách tiếp cận toàn cầu mở mà ông Tập Cận Bình thúc đẩy.

Về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do của nhà lãnh đạo Mỹ, Chekunkov nói rằng đây là chính sách mới nhưng ông băn khoăn về việc kết hợp quá nhiều quốc gia vào một khu vực.

"Thậm chí APEC cũng là một khu vực rất rộng. Chiến lược của ông Trump bao gồm các quốc gia Bắc Mỹ, Nam Mỹ, các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á, Nga, các quốc gia ở Ấn Độ Dương. Như vậy là ông ấy đã nói tới hơn 2/3 dân số thế giới, quá lớn cho một khu vực", ông Chekunkov nói.

Theo ông Chekunkov, nước Nga hiện thời đang rất chú trọng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng rất tập trung vào sự phát triển của Nga tại khu vực Thái Bình Dương. Ông ấy đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Viễn Đông. Tổng thống Putin đã tuyên bố việc phát triển quan hệ với khu vực Thái Bình Dương là một ưu tiên của Nga trong thế kỷ 21. Nga muốn trở thành một quốc gia Thái Bình Dương phát triển, vững mạnh, và Nga sẽ tập trung vào việc phát triển quan hệ với các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương", ông nói.

Bà Deborah Biber, giám đốc điều hành Hội Đồng Kinh tế vành đai Thái Bình Dương tại Hong Kong, nói bà ấn tượng với bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Bài phát biểu của ông Tập giống một tuyên bố. Ông ấy đưa vào đó mọi kỳ vọng nhằm gây ảnh hưởng sâu rộng. Ông ấy nói về việc cải thiện đói nghèo, phát triển bền vững, tầm quan trọng của việc quan tâm tới cuộc sống của người dân mình trước tiên, và sau đó là xây dựng các cộng đồng xuyên châu Á - Thái Bình Dương".

“Ông Tập cũng đề xuất nền tảng cho thỏa thuận tự do thương mại (FTA) cho châu Á - Thái Bình Dương, điều mà APEC ủng hộ và cũng là điều tổ chức của tôi ủng hộ. Thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, bà Biber nói.

Nhận xét về bài phát biểu của Tổng thống Trump, bà Biber cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ có phát biểu tốt và thú vị.

“Ông ấy đã tái khẳng định chính sách của mình trong bài phát biểu, dù không có gì mới. Ông ấy nói những điều tốt đẹp về Việt Nam, về châu Á, về APEC mà tôi đã được nghe trước đó. Cách nói của ông mang đậm phong cách ngoại giao và tôi nghĩ đó là điều tốt”, bà Biber chia sẻ.


Bà Deborah Biber, giám đốc điều hành Hội Đồng Kinh tế vành đai Thái Bình Dương (Ảnh: An Bình)

Bà Deborah Biber, giám đốc điều hành Hội Đồng Kinh tế vành đai Thái Bình Dương (Ảnh: An Bình)

Đại biểu Piggom Noah Herbert Junior từ Papa New Guinea - chủ nhà của APEC 2018 - nhận thấy qua bài phát biểu, ông Trump vẫn kiên định chính sách như ông đã từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử - “Nước Mỹ trên hết”.

"Ông ấy muốn các nước cần có sự công bằng, các quốc gia phải tuân thủ các quy định chung. Ông ấy nhắc nhiều tới Trung Quốc vì Trung Quốc kiểm soát thị trường", ông nói.

Một đại biểu giấu tên từ Papa New Guinea cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khá tích cực, nhất là về kinh tế, các thỏa thuận thương mại và tham vọng phát triển.

"Trong khi đó, ông Trump muốn tất cả mọi người đều phải tuân theo quy định. Ông ấy nhấn mạnh tới các thỏa thuận song phương, trong khi ông Tập thúc đẩy đa phương", đại biểu trên nói.

Nhận định về các cách tiếp cận trên, đại biểu từ Papa New Guinea nói: “Điều đó phụ thuộc vào việc bạn hưởng lợi gì từ các cuộc đàm phán. Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có các cách tiếp cận khác nhau, nhưng chính sách nào hay, phù hợp hơn còn phụ thuộc vào việc các lãnh đạo chúng tôi có thể đàm phán như thế nào để có được kết quả có lợi cho mình".

An Bình

Dòng sự kiện: APEC 2017

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm