Hé lộ tác giả “Khái luận Âm nhạc học”

(Dân trí) - Tác giả cuốn sách “lạ” xuất hiện tại Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017 là TS. Nguyễn Thanh Hà người đam mê tìm hiểu về âm nhạc học đã nhiều năm nay.

Hé lộ tác giả “Khái luận Âm nhạc học” - 1

Nếu được hỏi “Âm nhạc là gì?” nhiều người sẽ trả lời ngay “âm nhạc là một môn nghệ thật của âm thanh...” hoặc nghĩ đơn giản hơn “âm nhạc là đàn ca hát xướng”. Còn “Khoa học Âm nhạc”, hình như đây là lần đầu tiên có khái niệm này?

Ở phương Tây, thuật ngữ âm nhạc học (musikwiseeschatft/musicology) đã được sử dụng từ thế kỷ XVIII, tuy nhiên muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này chúng ta cần quay ngược về với thời kỳ Hy Lạp cổ đại.

Có thể nói nhà tư tưởng, nhà toán học vĩ đại Pythagoras (580-500 TCN) là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu âm hưởng học, là ông Tổ của lĩnh vực nghiên cứu triết học âm nhạc. Pythagoras còn đưa ra suy đoán về sự hòa hợp giữa con số và quãng, suy diễn ra giả thuyết “lý luận hài hòa thiên thể”, ông dự định lấy giả thuyết này để chứng minh mối quan hệ giữa âm nhạc và sự chuyển động của các vì sao trên vũ trụ, từ đó chứng minh bản chất của thế giới.

Anh có thể chia sẻ những đối tượng và phạm vi nghiên cứu khoa học âm nhạc?

Từ nửa trước của thế kỷ thứ XVIII, người châu Âu đã rất quan tâm đến âm nhạc phương Đông. Ghi chép, nghiên cứu âm nhạc Trung Quốc ở thời kỳ ấy điển hình có Jean – Baptiste Du Hatde và Joseph Amiod; nghiên cứu âm nhạc Nhật Bản có Guillaume - André Villoteau và Francis Taylor Piggot; âm nhạc ấn Độ có William Jones và Charles Russel Day….

Tại nhiều gian hàng “cuốn sách lạ” được bày trang trọng và rất công phu
Tại nhiều gian hàng “cuốn sách lạ” được bày trang trọng và rất công phu

Những năm 60 của thế kỷ XIX, một số học giả của Đức như Helm Holtz đã đưa ra ý kiến sau: âm nhạc học cần lấy những nguyên liệu vật chất cấu thành nên âm nhạc và quá trình cảm thụ nó làm đối tượng nghiên cứu chính.

Cuối thế kỷ XIX, một số nhà nghiên cứu âm nhạc của phương Tây có quan niệm truyền thống như sau: nghiên cứu âm nhạc học cần phải lấy lịch sử phát triển của âm nhạc hoặc nói chính xác hơn là lấy lịch sử âm nhạc phương Tây làm trọng tâm nghiên cứu.

Nhìn lại những đối tượng và phạm vi nghiên cứu khoa học âm nhạc học đã được đề cập trên cho thấy: mỗi thời kỳ, mỗi nhà nghiên cứu đều có những lý giải của riêng mình, trong đó vừa thể hiện dấu ấn thời đại vừa đánh dấu sự phát triển của khoa học.

Vậy nhiệm vụ của âm nhạc học là gì, thưa anh?

Nhiệm vụ của âm nhạc học là khai thác, thu thập, bảo tồn, chỉnh lý và nghiên cứu những gì có liên quan đến âm nhạc, để trả lời câu hỏi “Âm nhạc là gì?”. Thứ tiếp là những hành vi âm nhạc (gồm hoạt động sinh lý, hoạt động thẩm mỹ, hoạt động sáng tạo, hoạt động biểu diễn và tiếp nhận hành vi) của các dân tộc, quốc gia cũng như cá nhân trước đây và hiện nay…

Âm nhạc học cần phải thông qua việc nghiên cứu những hành vi âm nhạc của bản thân con người (cá nhân và cộng đồng) để giải thích nguyên nhân “vì sao những sản phẩm âm nhạc ra đời?” và trả lời cho câu hỏi “vì sao âm nhạc này lại như thế này chứ không phải thế kia?”.

Âm nhạc học thuộc về một ngành khoa học tổng hợp có trọng tâm là khoa học nhân văn. Mặc dù những nghiên cứu âm nhạc học đều có liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhưng vẫn thể hiện bản chất: âm nhạc là biểu hiện tinh thần nhân văn. Từ những yếu tố trên, chúng tôi cho rằng: âm nhạc học thuộc một ngành khoa học của phạm trù khoa học nhân văn./.

Xin cảm ơn anh!