1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Yêu cầu thống nhất công nghệ chuẩn cho tàu điện ngầm

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các dự án metro không thể có nguồn vốn từ một nhà tài trợ mà rất nhiều nhà tài trợ. Mỗi nhà tài trợ sẽ có một công nghệ khác nhau nên nếu không đồng bộ hóa các tiêu chuẩn thì về sau sẽ bị vướng.

Sáng 6/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với lãnh đạo một số Bộ, ngành đã có chuyến thị sát tình hình thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM (metro số 1). Đoàn công tác Chính phủ đã lắng nghe các nhà thầu báo cáo tiến độ công việc, hỏi thăm sức khỏe và động viên các đơn vị đang thi công, kỹ sư, công nhân công trường khẩn trương đảm bảo thi công kịp tiến độ, đảm bảo an toàn.

Các đơn vị báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án tại công trình
Các đơn vị báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án tại công trình

Sau đó Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác về trụ sở UBND TPHCM dự hội nghị, nghe Ban quản lý dự án báo cáo tiến độ công trình cũng như kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải khi thi công dự án metro số 1 và tình hình triển khai của các dự án metro khác của thành phố.

Tại buổi làm việc, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, hiện công tái giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến chỉ còn vướng 2 hộ kinh doanh ở huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), là khu vực cuối tuyến với chiều dài khoảng 1km, hiện nay vẫn còn đang tranh chấp. Hiện phía Bình Dương đang vận động, trễ nhất là tháng 10 là bàn giao mặt bằng.

Khó khăn hiện nay của dự án là gói thầu tư vấn chung hiện đang tạm ngưng thanh toán do có liên quan đến sự kiện JTC (Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản). Vấn đề này, UBND TPHCM đã khẳng định với phía Nhật Bản rằng gói thầu tư vấn chung thực hiện đúng quy định, đồng thời tỷ lệ công việc của JTC chỉ chiếm 4% giá trị hợp đồng nên không có khả năng tác động vào kết quả đấu thầu. Ban quản lý dự án kiến nghị Phó Thủ tướng, cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị phía Chính phủ Nhật Bản, JICA tháo gỡ cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho TPHCM thành lập công ty Đường sắt đô thị TPHCM theo mô hình công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước. Đồng thời, có chỉ đạo các Bộ liên quan phối hợp hỗ trợ UBND TPHCM trong việc tham gia ý kiến, trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập công ty.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với các bên liên quan tại trụ sở UBND TPHCM
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với các bên liên quan tại trụ sở UBND TPHCM

Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, dự án đường sắt đô thị TPHCM là một trong 26 dự án trọng điểm về giao thông quốc gia. Dự án có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết vấn đề giao thông của thành phố.

Vấn đề vướng giải tỏa mặt bằng đối với 2 hộ kinh doanh ở Bình Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu phía TPHCM và Bình Dương phải phối hợp với nhau để đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng chậm nhất là đến tháng 10. Theo kế hoạch dự án, sẽ lắp dầm phía Bình Dường trước, theo hướng Bình Dương về thành phố. Chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình ngày đó. Phó Thủ tướng đánh giá, cơ bản việc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành. Vấn đề bây giờ chỉ là tập trung vào thi công.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay luật pháp Việt Nam cho phép công nhận các tiêu chuẩn của nước ngoài. Nhưng phải làm sao để đồng bộ các tiêu chuẩn của nước ngoài với các loại công nghệ khác nhau để chuyển thành tiêu chuẩn của Việt Nam. Khi đã công bố một quy phạm trở thành tiêu chuẩn để áp dụng tại Việt Nam cho tàu điện ngầm là trở thành tiêu chuẩn Việt Nam, thời gian sau sẽ thành chính thức. Như vậy, tuyến đường sắt đô thị TPHCM hoàn thành trước, tiêu chuẩn hệ thống tàu điện ngầm ở đây sẽ trở thành tiêu chuẩn quốc gia.

Phó Thủ tướng chỉ đạo phải đặt ra quy chuẩn cho metro
Phó Thủ tướng chỉ đạo phải đặt ra quy chuẩn cho metro

“Chúng ta không thể có nguồn vốn từ một nhà tài trợ mà rất nhiều nhà tài trợ. Mỗi nhà tài trợ sẽ có một công nghệ khác nhau. Nếu chúng ta không đồng bộ hóa các tiêu chuẩn này thì về sau sẽ bị vướng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phía thành phố và Ban quản lý dự án cần lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện dự án như các yếu tố về tiếng ồn, độ rung, tiêu chuẩn an toàn, đánh giá về môi trường, xây dựng cơ chế tài chính…. Cần tăng độ cẩn trọng đối với dự án đường sắt đô thị.

Trước khó khăn về vấn đề thanh toán mà dự án đang gặp phải, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương làm việc với JICA và báo cáo kết quả cụ thể để có hướng giải quyết sớm, để cho dự án tiếp tục chạy, không để ảnh hưởng đến tiến độ.

Phó Thủ tướng đề nghị phía UBND TPHCM chỉ đạo khẩn trương, nhất là trong khâu thiết kế, để bên thi công có thể chạy cho kịp tiến độ và hy vọng cuối năm 2018 đầu 2019, TPHCM sẽ đưa vào vận hành tuyến đầu tiên.

Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cáo; với 14 ga, trong đó có 3 ga ngầm, 11 ga trên cáo và Depot Long Bình tại quận 9. Tổng mức đầu tư 236,6 tỷ Yên Nhật. Thời gian thực hiện năm 2007 – 2018. Theo thiết kế, tốc độ cao nhất trên cao là 110km/giờ, tốc độ dưới đường ngầm là 90km/giờ.

Dự án gồm 5 gói thầu chính, bao gồm đoạn đi ngầm dài 2,6km 2 (2 gói), xây dựng đoạn đi trên cáo dài 17,1km, gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng và gói gói thầu hệ thống thông tin cho Depot.

Do việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho Nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, số 2, số 3a và 4 nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ tuyến metro số 1 là năm 2019, đưa vào vận hành năm 2020 (thay vì cuối năm 2018 như dự án đã được duyệt).

 

Quốc Anh