1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Yêu cầu ngừng hoạt động mái ấm tình thương Hạnh Phúc

(Dân trí) - UBND TP vừa có văn bản khẩn yêu cầu đóng cửa nhà Hạnh Phúc; giải quyết hồi gia cho các em nhỏ có gia đình, chuyển các trẻ mồ côi vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Trong văn bản khẩn gửi đi chiều 3/7 về việc giải quyết điểm nuôi trẻ không phép nhà Hạnh Phúc tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), UBND TP giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh yêu cầu ông Nguyễn Văn Hoàng chấm dứt hoạt động nuôi trẻ trái phép. Sau khi đóng cửa nhà Hạnh Phúc, giải quyết cho các trẻ có gia đinh hồi gia, còn các trẻ mồ côi sẽ đưa vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Yêu cầu ngừng hoạt động mái ấm tình thương Hạnh Phúc
Các trẻ đang được nuôi dưỡng tại mái ấm tình thương Hạnh Phúc đều là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tháng 11/2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra địa điểm nuôi trẻ nhà Hạnh Phúc do vợ chồng bà Ngô Thị Kim Vân (49 tuổi) và ông Nguyễn Văn Hoàng (45) tuổi làm chủ. Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở của vợ chồng ông Hoàng không có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, UBND xã Bình Hưng đề nghị vợ chồng ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép và phải giao trả các trẻ về với gia đình trong thời gian 7 ngày. Ông Hoàng chấp thuận với đề nghị và xin gia hạn đến 31/5/2015 vì các trẻ đang đi học và gia đình đều ở rất xa.

Tuy nhiên, đầu tháng 6/2015, chính quyền xã tiến hành kiểm tra tình hình giao trẻ về gia đình thì phát hiện ông Hoàng vẫn chưa thực hiện. Phía xã Bình Hưng tiếp tục đề nghị ông Hoàng giao trả trẻ trước ngày 15/6/2015.

Lý do đóng cửa nhà Hạnh Phúc, cơ quan chức năng cho biết cơ sở này không đáp ứng điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 68 và Nghị định 81. 

Cụ thể, cơ sở này không có giấy phép, nuôi 32 người mà diện tích chỉ có hơn 200 m2, trong khi quy định thì phải đạt 30 m2/người.

Quy định cũng nêu rõ, đối với cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng từ 25 đối tượng trở lên phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện). Nhà Hạnh Phúc không đáp ứng được điều kiện này.

Về hướng xử lý nhà Hạnh Phúc, trong báo cáo gửi UBND TP, huyện Bình Chánh nêu quan điểm ủng hộ việc làm của vợ chồng ông Hoàng nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn nghiệp vụ của cơ sở bảo trợ. Phía địa phương sẽ tạo điều kiện để nhà Hạnh Phúc tìm địa điểm mới và hướng dẫn thủ tục pháp lý xin cấp phép. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động ông Hoàng trao trả các cháu về với gia đình.

Tháng 2/2006, vợ chồng ông Hoàng bắt đầu mở điểm giữ trẻ, nhưng lúc đầu chỉ nuôi giữ khoảng 5 trẻ. Từ năm 2010 số lượng trẻ tăng lên và tại thời điểm kiểm tra tổng số người là 32, độ tuổi lớn nhất là 23 tuổi và nhỏ nhất là 7 tuổi, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi là 24 trẻ (14 nam, 10 nữ), gồm: trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Khi vợ chồng ông Hoàng tiếp nhận trẻ chỉ có giấy khai sinh của trẻ, không có các giấy tờ liên quan khác. Hiện ông Hoàng vẫn còn giữ được liên lạc với gia đình các trẻ.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 53 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có 32 cơ sở đã được cấp phép (từ năm 2010 đến nay thực hiện cấp phép cho 17 cơ sở, thuộc thẩm quyền của Thành phố và quận, huyện).

Quốc Anh