Yêu cầu Chính phủ báo cáo tác động việc tăng giá xăng, giá điện

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội tại phiên họp sáng 5/8/2019 của UB Thường vụ Quốc hội…

Yêu cầu Chính phủ báo cáo tác động việc tăng giá xăng, giá điện - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 

Nêu quan điểm thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trong các tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận xét, trên cơ sở 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết của Quốc hội có thể thấy, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tích cực triển khai công việc để bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm.

UB kinh tế nhấn mạnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học do một số mặt hàng công nghệ (như điện thoại thông minh) chưa bước sang vòng đời sản phẩm mới.

Một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo  để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu được dự báo suy giảm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn lo ngại khi nước ta chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, việc tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới (như sản xuất ô tô Vinfast) cũng còn rất thấp.

UB Kinh tế đánh giá cao khả năng chống dịch bệnh nhưng vẫn lo ngại vì tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn trong khi dịch bệnh phức tạp, thời tiết không thuận lợi, công tác dự báo cung cầu còn bất cập, dẫn đến sự lo ngại về tình trạng dư thừa phải “giải cứu” một số nông sản. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực trong 4 tháng đầu năm giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ.

Về chỉ số giá tiêu dùng, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân  thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đạt 1,84% vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). UB Kinh tế dẫn chỉ số CPI cùng kỳ của các năm 2017 tăng 4,8%; năm 2018 tăng 2,8%; năm 2019 tăng 2,71%.

Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020  gây quan ngại về áp lực lạm phát các quý tiếp theo và cả năm 2019.

Cơ quan thẩm tra đề cập, theo Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,29%. Bên cạnh đó, từ ngày 1/5/2019, 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tại các bệnh viện ở Hà Nội được điều chỉnh giá, phần lớn tăng giá.

Đồng thời giá thực phẩm năm 2019 có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.

Trấn áp “tín dụng đen” vẫn chưa hiệu quả

Yêu cầu Chính phủ báo cáo tác động việc tăng giá xăng, giá điện - 2

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc tăng giá xăng với vấn đề tăng giá tiêu dùng

Về lĩnh vực ngân hàng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh khái quát, từ đầu năm 2019, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hỗ trợ ổn định tỷ giá USD/VND. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua lại bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước còn khó khăn. Việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước.

Các cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã đẩy mạnh việc đấu tranh, trấn áp mạnh hoạt động “tín dụng đen”  và đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động này vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội. Quy định pháp luật quản lý hoạt động này còn bất cập, chủ yếu là trấn áp các hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen như gây rối trật tự, phá hoại, cưỡng đoạt tài sản.

Báo cáo thẩm tra dẫn chỉ thị mới ban hành của Chính phủ, nêu rõ, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

P.Thảo