1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xương trắng còn vùi dưới đất đen

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe có một nơi mà tội ác của chiến tranh đạt đến đỉnh điểm là giết người lấy mật, ăn gan...

Xương trắng còn vùi dưới đất đen
Từ khi công nhận di tích năm 2000 đến nay, chỉ có tượng đài được dựng lên.

Đó là biệt khu Hải Yến - Bình Hưng tại Cà Mau, với tập đoàn giết người do Nguyễn Lạc Hoá cầm đầu. Chuyện xảy ra từ hơn 50 năm trước...

Ghê rợn

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng có diện tích gần 30ha do chế độ Mỹ - nguỵ dựng lên vào năm 1956 và kéo dài cho đến năm 1972. Vào năm 1956, Nguyễn Lạc Hoá thành lập nhiều khu trù mật tại Cà Mau và chọn khu đất trống, đầm lầy Hải Yến - Bình Hưng làm tổng hành dinh.

Đầu tiên Nguyễn Lạc Hoá tập hợp về biệt khu những thành phần bất hảo trong xã hội, những đối tượng bị thất sủng của chế độ Sài Gòn. Những ai theo Nguyễn Lạc Hoá được cấp đất, xây nhà và cấp phát súng ống, lương thực. Chính vì vậy quân số cao điểm tại nơi đây lên đến trên 2.000, có cả sân bay hiện đại. Tất cả đều được Mỹ và nguỵ tài trợ. Bù lại, biệt khu này sẽ làm nhiệm vụ đối trọng với Trung ương Cục miền Nam và căn cứ của Tỉnh uỷ Minh Hải.

Tư liệu của Bảo tàng tỉnh Cà Mau cho biết: Ngày 21.12.1961, địch thảm sát tại ấp Kết Nghĩa, xã Tân Hưng Tây, gồm mẹ, vợ của ông Phan Thái Hoà cùng cô con dâu và hai cháu nhỏ. Sau khi hãm hiếp phụ nữ, chúng lôi tất cả 5 người vào đống lửa đốt thành tro cùng với căn nhà. Tháng 6.1961, chúng thảm sát tại nhà bác Tám Sòi, ấp Đất Sét, xã Phú Mỹ, giết chết tại chỗ 11 người. Tháng 3.1965, chúng thảm sát tại nhà ông Lê Văn Chữ, kinh Đoàn Dong, tất cả 6 người từ 3 đến 15 tuổi...

Ghê gợn nhất, kinh khiếp nhất là hình thức giết người theo kiểu “Biểu tượng của sự tự do” với 14 cách giết, trong đó có 3 hình thức giết người không nơi nào có là mổ bụng lấy gan xào ăn; chế nước sôi “cạo lông” rồi nấu người như nấu gà; giết người xẻo vành tai chiên ăn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - hiện ở Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, là con ông Nguyễn Hồng Cao bị lính Bình Hưng thủ tiêu vào ngày 17.1.1961 - kể: “Tôi trực tiếp thấy bọn chúng mổ bụng một người tại kinh Đường Ven lấy gan rồi dồn trấu vào bụng. Chúng bắt mọi người trong gia đình đứng xem, cấm kêu khóc. Ai khóc, bắn chết. Tôi cũng chứng kiến bọn chúng chặt đầu 11 người. Có lần bọn chúng chặt đầu một người rồi treo lủng lẳng ở đầu cầu chợ Cái Đôi Vàm...”.

Chúng thẳng tay giết những tù binh, không tuân theo bất cứ hiệp ước nào. Thường chúng buộc những tù binh đi qua một chiếc cầu và bảo rằng qua khỏi đó sẽ được tự do. Thế nhưng, có trên 300 người bước qua chiếc cầu này và họ mãi mãi không về. Người dân kinh sợ gọi đây là cầu Vĩnh Biệt, bởi vừa bước đến giữa cầu chúng đã nổ súng bắn chết, xác được ném xuống những cái hố sâu rồi để đó. Có ít nhất 1.675 người đã vùi thây ở biệt khu Hải Yến - Bình Hưng này và hầu hết xương cốt của họ vẫn còn nằm đó dưới đất lạnh.

Xương trắng còn vùi dưới đất đen - 2

Khi đào ao nuôi tôm, người dân đã phát hiện rất nhiều hài cốt.


Lặng lẽ di tích quốc gia

Mặc dù được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2000, nhưng cho đến nay biệt khu Hải Yến - Bình Hưng vẫn còn lặng lẽ, hoang vu với tượng đài nằm chơ vơ giữa đồng. Tôi vào đấy mà chân không dám bước mạnh. Tôi sợ bàn chân mình có khi vô tình giẫm đạp lên những thi thể của các chú, các anh vẫn còn nằm phía dưới.

Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp - thường trực Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau, người lặn lội hơn 4 năm trời để sưu tầm những chứng tích tội ác chiến tranh tại đây - ngậm ngùi: “Từ ngày công nhận di tích lịch sử đến nay chỉ xây dựng được cái tượng đài và bờ kè. Tất cả chưa chuyển động gì cả. Xót xa nhất vì đây là di tích quốc gia nên cấm mọi tác động vào di tích. Chính vì vậy, công tác quy tập hài cốt của 1.675 người vẫn chưa thực hiện được”.

Những ngày lăn lộn làm đề tài khoa học, ông được những cựu tù và người dân nơi đây bơi xuồng đưa vào sâu trong khu di tích. Và ông không khó khăn lắm để tìm một chiếc đầu lâu, những khúc xương người còn nằm dưới lòng đất lạnh của biệt khu này. Ông nói: “Cả cái cầu Vĩnh Biệt bây giờ cũng không còn nữa. Hố chôn tập thể cũng mất hết. Người ta cho đào ao nuôi tôm làm biến dạng hết rồi”.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, cả biệt khu rộng 30ha trở thành một bãi đất hoang. Ông Lương Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải - kể: “Nhà tui cách khu vực này chỉ vài trăm mét, nhưng không ai dám vào”. Không thể bỏ hoang, UBND tỉnh Minh Hải (cũ) giao cho Huyện đội Năm Căn quản lý, bảo vệ khai thác. Từ sau năm 1998 có chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Vùng đất này được huyện đội cho xáng cạp vào đắp bờ bao khai thác nuôi tôm. Năm 2004, toàn bộ khu đất này được giao lại cho UBND xã Tân Hải quản lý.

Ông Trần Thanh Phong - người dân ở đây - cho biết, xáng cạp phát hiện rất nhiều xương cốt nằm dưới lòng đất. Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp nói: “Tôi thật sự không hiểu nổi là tại sao đến giờ người ta vẫn chưa cho xây dựng, tái tạo di tích. Tôi đã nhiều lần đề nghị xây dựng trước một khu tưởng niệm, đem xương cốt về đây để thắp hương cho bớt lạnh lẽo, nhưng vẫn không thấy hồi âm”. Trả lời câu hỏi này, Bảo tàng tỉnh Cà Mau cho biết đây là công trình do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Cà Mau phối hợp thực hiện, bảo tàng chỉ tham mưu về chuyên môn nên không biết có bao nhiêu hạng mục, bao nhiều tiền và vì sao chậm tiến độ.

Đem những thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tân Hải, huyện Phú Tân và nghe ông than: “Chúng tôi tiếp quản di tích, nhưng không có biên chế, con người riêng. Cả khu đất rộng đến 30ha mà không có hàng rào, chưa được phân ranh thì làm sao chúng tôi quản lý cho nổi? Hiện xã có chủ trương cho vài người thuê đất nuôi tôm để lấy tiền thuê người dân bảo vệ hiện trạng. Biết việc làm này là sai với quy định, nhưng không có tiền thì làm sao bảo vệ, giữ gìn được”.

Ông Lương Minh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hải - bổ sung: “Để di tích phát huy tác dụng, cần phải đẩy nhanh tiến độ trùng tu tôn tạo và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cần có bộ máy quản lý. Hiện tại ai muốn vào thì vào. Họ có vào đây bắt cá, bắt tôm khai thác thuỷ sản chúng tôi cũng không thể phát hiện được vì quá rộng, lại không có hàng rào bảo vệ, không có người trông coi”.

Tôi cứ lặng người đi sau những gì tai nghe, mắt thấy. Tôi cứ ám ảnh mãi bởi lời nhà báo Đỗ Văn Nghiệp: “Sau hơn 30 năm đất nước giải phóng và hơn 12 năm được công nhận di tích, 1.675 người chết tại Hải Yến - Bình Hưng, xương trắng vẫn còn nằm dưới đất đen”.
 
Bao giờ xương cốt người thân tôi mới được chôn cất?

Bà Ngô Thị Cát - ấp Gò Công, xã Tân Hải, có 7 người thân bị lính Bình Hưng tra tấn đến chết, trong đó có 2 người qua “cầu Vĩnh Biệt” - ngậm ngùi: “Thân xác của người thân tôi còn nằm đâu đây trong gần 30ha của khu di tích. Năm 2007, lễ khởi công xây dựng di tích, tôi mừng lắm vì có thể quy tập, tìm kiếm người thân về một chỗ để hương khói, nhưng họ khởi công rồi bỏ đó. Gia đình tôi muốn tự tìm kiếm quy tập về đất nhà chôn cất cũng không được. Người ta giải thích đã là di tích cấp quốc gia rồi thì không được tác động dưới mọi hình thức. Với kiểu xây dựng rề rà như thế này, không biết đến bao giờ xương cốt của những người ngã xuống, trong đó có người thân của tôi mới được quy tập, chôn cất?”.

Sẽ có phương án bảo vệ, trùng tu trong thời gian sớm nhất

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thừa nhận việc xây dựng khu di tích lịch sử văn hoá biệt khu Hải Yến – Bình Hưng là quá chậm. “Tỉnh đã đầu tư 20 tỉ đồng để xây dựng một số hạng mục công trình, nhưng do thiếu vốn, công trình phải tạm dừng. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ VHTTDL bố trí nguồn vốn cho địa phương để sớm hoàn thành xây dựng công trình, đồng thời sẽ có phương án bảo vệ, trùng tu một cách hợp lý trong thời gian sớm nhất” – ông Hải nhấn mạnh.
 
Theo Nhật Hồ
Lao Động