Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi và lời hứa của Chủ tịch nước

Q.Huy

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, một trong những ý nghĩa của việc xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi là thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội khi ứng cử với đồng bào, cử tri TPHCM.

Ngày 12/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM) năm 2022. Những huyện ngoại thành của TPHCM được kêu gọi đầu tư được đánh giá là có nhiều tiềm năng, thế mạnh để bứt phá, hình thành cực phát triển mới làm đối trọng với khu vực trung tâm thành phố.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhìn nhận, hội nghị lần này mang 3 ý nghĩa. Đầu tiên là thể hiện rõ kế hoạch hành động của thành phố; 2 là thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội khi ứng cử với đồng bào, cử tri TPHCM, đặc biệt là 2 huyện Hóc Môn, Củ Chi; 3 là tạo cơ hội để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt sứ mệnh, lời cam kết đồng hành cùng thành phố.

Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi và lời hứa của Chủ tịch nước - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.K.).

"Thông điệp được đưa ra là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm phải tới nơi tới chốn. Việc xúc tiến đầu tư vào 2 huyện được thành phố đặt quyết tâm cao nhất là nâng cao chất lượng sống của người dân tại 2 vùng đất giàu văn hóa, truyền thống cách mạng", Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Không để tình trạng phố không ra phố, làng không ra làng

Trình bày về định hướng phát triển, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thông tin, với việc xác định mô hình phát triển tập trung - đa cực, ngoài khu vực trung tâm nội thành cũ, các trung tâm khác được TPHCM định hướng phát triển ra bốn hướng. Hóc Môn và Củ Chi là 2 huyện chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TPHCM, là cửa ngõ kết nối với các đô thị khác trung vùng.

"Với tiềm năng hiện hữu, việc kêu gọi đầu tư, định hình phát triển nhằm tránh tình trạng đô thị hóa tự phát, phố không ra phố làng không ra làng, tại 2 huyện. Từ đó, Hóc Môn và Củ Chi được tạo lộ trình hợp lý hình thành quận mới của TPHCM", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc chia sẻ.

Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi và lời hứa của Chủ tịch nước - 2

Huyện Hóc Môn, Củ Chi được đánh giá có nhiều tiềm năng (Ảnh: P.N.).

Về đặc điểm vốn có, 2 huyện có hành lang phát triển là Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị. Về định hướng phát triển không gian, Hóc Môn và Củ Chi được xác định có các vùng phát triển đô thị, công nghiệp, sinh thái, du lịch dọc sông Sài Gòn.

"Địa bàn cả 2 huyện đều có những đặc điểm thuận lợi quan trọng. Trục phát triển của 2 huyện nằm trên trục đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp khu vực đô thị hóa mạnh mẽ. Tuyến Metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương nối tới Khu đô thị Tây Bắc", Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc phân tích.

Về phát triển du lịch, khu vực ngoại thành phía Tây Bắc TPHCM thuận lợi để hình thành những khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng. Ở khía cạnh liên kết vùng, Hóc Môn và Củ Chi là cầu nối liên kết các tiểu vùng xung quanh với mối liên kết đô thị hạt nhân cùng các cực tăng trưởng.

"Sự liên kết này là mối quan hệ cộng sinh giữa vùng công nghệ cao với vùng sản xuất công nghiệp và vùng nguyên liệu, giữa vùng phân phối, tiêu thụ sản phẩm với vùng sản xuất sản phẩm", ông Nguyễn Thanh Nhã nêu rõ.

Xúc tiến đầu tư vào 2 huyện là quyết định chiến lược

Trước đó, vào ngày 16/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM cùng các sở, ngành, địa phương nhằm chuẩn bị cho sự kiện này. Người đứng đầu Nhà nước đánh giá, việc mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố về phía tây là quyết định mang tính chiến lược, giúp đem lại sinh kế lâu dài cho người dân.

Đồng thời, Hóc Môn và Củ Chi đứng trước cơ hội phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Trên hết, việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào 2 huyện ngoại thành TPHCM phù hợp với xu hướng phát triển chung của Việt Nam.

Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi và lời hứa của Chủ tịch nước - 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại hội nghị (Ảnh: H.K.).

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi. Trong đó, yếu tố kinh tế- xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân, mặt khác, thành phố cần đảm bảo tốt các vấn đề môi trường, nhà ở cho công nhân, người lao động, đặc biệt các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.

Nhìn nhận về những vấn đề đang tạo nút thắt cho sự phát triển của huyện Hóc Môn, Củ Chi, Chủ tịch nước chỉ rõ các vấn đề liên quan đến giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích đất, các dự án có đất sở hữu rộng nhưng giá trị còn thấp, gây lãng phí.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành cần gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, nhất là đường sá, giao thông. Những chương trình, dự án liên quan đến nâng cao tay nghề người lao động, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư cũng cần được chú trọng.

Xúc tiến đầu tư vào Hóc Môn, Củ Chi và lời hứa của Chủ tịch nước - 4

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm người dân Hóc Môn, Củ Chi tại các buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội (Ảnh: P.N.).

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, trúng cử tại đơn vị số 10 gồm huyện Hóc Môn và Củ Chi. Trước khi diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư tại 2 huyện này, Chủ tịch nước đã nhiều lần tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri và thăm hỏi người dân trong quãng thời gian dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng.

Tại những buổi làm việc trước đó, người đứng đầu Nhà nước nhiều lần bày tỏ sự kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của 2 huyện ngoại thành TPHCM. Ngoài việc tháo gỡ các khó khăn, tồn tại hiện hữu của người dân, Chủ tịch nước mong muốn 2 huyện sẽ tận dụng tiềm năng vốn có để phát triển thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nhằm tạo đối trọng phát triển với phần còn lại của TPHCM.

Thông qua Hội nghị, TPHCM đã mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương hơn 216 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD. Các dự án giao thông này gồm giao thông đường thủy, đường nội đô, xử lý rác thải, giảm ngập nước.

Ngoài ra, thành phố cũng mời gọi đầu tư đối với 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn 33 triệu USD, 3 dự án công nghiệp, 15 dự án nông nghiệp, 2 dự án thương mại - dịch vụ và 4 dự án giáo dục - văn hóa - thể thao.