Xuất hiện "đường lưỡi bò" phi pháp trên phần mềm theo dõi điện mặt trời
(Dân trí) - Liên tiếp tại Kiên Giang, Đồng Nai, phát hiện "đường lưỡi bò" trên ứng dụng theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Nguyên nhân ban đầu được cho là đơn vị nhập thiết bị không kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi nhập.
Trưa 11/12, trao đổi với PV Dân trí, đại điện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết trên địa bàn đã phát hiện 2 trường hợp ứng dụng thiết bị điện có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVN SPC đã gửi đi văn bản chỉ đạo rà soát, kiểm tra sự việc. EVN SPC cũng đã từ chối ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và đấu nối điện đối với các thiết bị có "đường lưỡi bò".
"Trường hợp phát hiện các thiết bị, phần mềm, tài liệu kỹ thuật của đối tác, khách hàng sử dụng điện chứa hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò”, đơn vị báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với đối tác, khách hàng sử dụng điện để yêu cầu loại bỏ hình ảnh xuyên tạc và chấm dứt sử dụng các thiết bị, phần mềm, tài liệu kỹ thuật nêu trên. Nếu đối tác, khách hàng sử dụng điện không hợp tác và khắc phục, đơn vị ngừng thực hiện giao dịch, mua bán hoặc cung cấp các dịch vụ điện liên quan", thông báo của EVN SPC nêu rõ.
Trước đó, tháng 11/2019, ngành điện phát hiện bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp trên ứng dụng theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có tên ZeverCloud tại Kiên Giang.
Còn trường hợp vừa phát hiện tại Đồng Nai, kiểm tra ban đầu, ngành điện cho biết đã phát hiện phần mềm Sems được cài đặt theo bộ chuyển đổi inverter hiệu Goodwe (xuất xứ Trung Quốc) để theo dõi sản lượng điện hiển thị hình ảnh có bản đồ "đường lưỡi bò".
Ngành điện sau đó đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương lập biên bản vụ việc, ngưng việc đấu nối hệ thống điện mặt trời, mua bán điện đối với trường hợp này. Đồng thời, ngành điện yêu cầu khách hàng loại bỏ hình ảnh "đường lưỡi bò" ra khỏi thiết bị, phần mềm.
Xuân Hinh