Xuất hiện 50 điểm sạt lở, hơn 400 người ở biên giới Nghệ An bị chia cắt
(Dân trí) - Hiện đường thủy không thể di chuyển, trong khi đó, đường bộ vào bản Cha Nga (xã biên giới Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An) xuất hiện gần 50 điểm sạt lở, chia cắt. 93 hộ dân với 422 nhân khẩu đang bị chia cắt.
Tối 10/9, ông Võ Văn Quỳnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, cho biết, 93 hộ đồng bào dân tộc Thái với 422 nhân khẩu thuộc bản Cha Nga đang bị chia cắt.
Từ ngày 27/8 tới nay, trên địa bàn xã Mỹ Lý có xảy ra mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, một số công trình trường học, nhà ở bị hư hại.
Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Lý, đường từ bản Xiềng Tắm (trung tâm xã) đi bản Xằng Trên, Xốp Dương, Cha Nga, dài 22km. Trong đó, đoạn Xiềng Tắm - Xằng Trên - Xốp Dương dài 13km, hiện tạm thời lưu thông được bằng xe máy.
Đoạn từ Xốp Dương đi Cha Nga dài 9km, có 39 điểm sạt lở nặng, trong đó 5 vị trí mất hẳn đường.
Theo ông Quỳnh, nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Nậm Nơn dâng cao, chảy xiết, việc di chuyển bằng thuyền vào bản Cha Nga không thể thực hiện được.
"Hiện chỉ có thể di chuyển bằng xe máy từ bản Xằng Trên rồi đi bộ thêm gần 2 tiếng đồng hồ mới vào được bản Cha Nga trong điều kiện địa hình, đường sá hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ do đất đá ngấm nước lâu ngày.
Thời điểm này, địa bàn Mỹ Lý đang xảy ra mưa lớn. Người dân bản Cha Nga đã có sự chuẩn bị về một số nhu yếu phẩm cần thiết như: gạo, muối. Nếu tình trạng sạt lở, chia cắt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con", ông Quỳnh thông tin.
Trong ngày 10/9, đoàn công tác của huyện Kỳ Sơn do ông Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư Huyện ủy dẫn đầu đã tìm cách vượt các điểm sạt lở vào bản Cha Nga để đánh giá tình hình.
Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn quán triệt các lực lượng chức năng xã Mỹ Lý không để người dân lưu thông trên tuyến đường để đảm bảo an toàn. Khi ngừng mưa, địa chất ổn định, huyện sẽ có phương án giải phóng các điểm sạt lở để thông đường vào bản.
Theo thống kê, có 55 học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở tại 2 bản Xốp Dương và Cha Nga học tại trung tâm xã Mỹ Lý. Số học sinh này được hưởng chính sách bán trú trong các ngày học chính khóa. Vào thứ 7, chủ nhật, học sinh được nghỉ học, về nhà.
"Để đảm bảo an toàn cho các em, chính quyền địa phương đã giao nhà trường quản lý, chăm sóc học sinh vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, không để các em tự về nhà vì đường còn hết sức nguy hiểm.
Tuy nhiên, kinh phí bán trú chỉ hỗ trợ từ thứ 2 đến thứ 6 nên các trường đang rất khó khăn trong việc bố trí nguồn để tổ chức các bữa ăn cho số học sinh này trong 2 ngày nghỉ cuối tuần", ông Võ Văn Quỳnh thông tin thêm.