Xuân về trên miền biên viễn
(Dân trí) – Những ngày cuối năm, tôi có dịp quay lại các xã phía Bắc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Trong tiết trời ấm áp của những ngày đầu Xuân, người dân nơi đây phấn khởi sau khi kết thúc vụ mùa và đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền như cộng đồng miền xuôi.
Khởi sắc vùng biên giới
Dưới chân đèo Sa Mù, những tia nắng rực rỡ chiếu rọi khắp nơi, báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng hiện ra với đầy đủ gam màu và như được “khoác” lên màu áo mới.
Gặp chúng tôi, anh Hồ Văn Thuần hồ hởi nói: “Bà con bản miềng đã thu hoạch xong cà phê nên có tiền để sắm Tết rồi. Dù năm nay giá cà phê không cao như mọi năm nhưng cũng không phụ công sức chăm bón bấy lâu. Nhờ trồng cà phê mà đời sống của bà con nơi đây thay đổi, có nguồn thu nhập và không còn cảnh thiếu đói như trước nữa. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của người dân miền núi. Ngoài ra, còn trợ cấp gạo và ưu tiên một số quyền lợi khác, bà con được khám sức khỏe, trẻ em được đến trường…”.
Vùng đất này xưa kia vốn là rừng núi heo hút, đầy rẫy bom đạn và sự chết chóc. Thế nhưng, nhờ bàn tay con người dày công vun xới, cải tạo, những đồi cà phê bạt ngàn mọc lên như một sự kỳ diệu. “Nhờ có bộ đội dạy cho cách trồng, chăm sóc cây cà phê, rồi còn hỗ trợ gia đình mình cây giống, phân bón mà bây giờ vợ, chồng mình biết cách làm ăn. Nhà mình đã thoát được nghèo, có của ăn, của để dành rồi” – anh Hồ Sơn cho biết.
Ngược theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi đến với xã Hướng Lập, một xã nghèo giáp với huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Nơi đây cũng từng là trọng điểm bắn phá của kẻ thù trong những năm chiến tranh. Tuy nhiên, qua mấy chục năm xây dựng và phát triển, chiến trường ác liệt xưa kia cũng đang dần được hồi sinh. Dòng sông Sê Păng Hiêng, nơi ghi nhận những gian khổ của bộ đội, nhân dân ta trong việc vượt sông để vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam cũng trở nên hiền hòa, tô điểm thêm cho cuộc sống của đồng bào Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Ông Hồ Đức Vân, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hướng Lập là một xã biên giới, dân số chưa đầy 300 hộ sinh sống trên 8 thôn, bản. Những năm qua, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc vận động, hướng dẫn bà con chăm lo sản suất, thay đổi tập tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống văn minh. Nhờ việc ứng dụng nhiều giống cây công nghiệp như bời lời, cà phê, mít…, và cây lâm nghiệp như sưa, lim, sến… mà đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 47%, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định từ cây bời lời. Tuy vậy, để giúp bà con nơi đây thoát nghèo thực sự thì rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng và Nhà nước.
Tết ấm cúng nhờ cây bời lời
Những ngày gần đây, gia đình ông Hồ Xừng, ở bản Cù Bai đang tất bật đốn bời lời, cạo vỏ và cân đong. Trên tay đang cầm rựa, chân bước xăm xăm giữa đồi bời lời xanh tốt, ông Hồ Xừng vui vẻ nói: “Nhà mình trồng hơn 1 ha cây bời lời đã đến mùa thu hoạch. Hôm qua khai thác được 3 tạ rồi, nay cũng được khoảng chừng đó. Trong năm tui cũng đã khai thác và bán được 10 triệu”.
Cách đây gần 10 năm, ông Hồ Xừng là một trong những hộ dân đầu tiên ở Cù Bai mạnh dạn trồng bời lời. Ông Xừng kể: “Thấy người ta đi mua bời lời, mình cũng lên rừng cạo vỏ về bán. Dần dần bời lời ở rừng cũng hết, mình liền rủ thêm một người nữa trồng bời lời trên đất đồi, thỏa thuận chia nhau mỗi người một nửa để khai thác”.
Ngoài trồng bời lời, gia đình ông còn làm thêm 1 ha ruộng lúa nên kinh tế thuộc diện khá giả trong thôn. Ông Xừng phấn khởi: “Năm nay thu hoạch cây bời lời sớm nên ăn Tết sẽ vui hơn. Ngày Tết thì nhờ con cháu chở ra Khe Sanh mua ít kẹo, mứt, và một số vật dụng, lương thực về sử dụng trong mấy ngày. Rồi sau đó đi chơi, thăm bà con trong bản, ngồi bên nhau làm vài chén rượu đón xuân”.
Trưởng thôn Hồ Hoàng Thới cho biết, thôn Cù Bai hiện có hơn 700 ha bời lời. Trong đó, có hơn 400 ha có độ tuổi từ 7 - 10 năm, chuẩn bị khai thác. Bà con tận dụng mọi diện tích để trồng bời lời, từ xen kẽ trong rừng tự nhiên đến trên nương rẫy. Với giá bán từ 10 - 15 nghìn đồng/kg tươi, 20 - 25 nghìn đồng/kg khô, những cánh rừng bời lời mang lại cho người dân thôn Cù Bài số tiền lên đến cả tỷ đồng. Với nguồn thu nhập khấm khá từ cây bời lời, ông Thới tin tưởng, trong khoảng 5 năm tới, Cù Bai sẽ “trắng” hộ nghèo. Hiện, toàn thôn chỉ còn 20% hộ nghèo, là một con số đầy ấn tượng với thôn miền núi biên giới.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Cù Bai đã đi đầu trong phong trào trồng lúa nước. Thời bấy giờ, mẹ Hồ Thị Oi đã dũng cảm vượt qua hủ tục, dắt trâu cầm cày, đi theo tiếng gọi của cách mạng để làm lúa nước. Hành động vượt qua sự trừng phạt của “ma rừng” đã đưa mẹ Oi ra thủ đô gặp Bác Hồ. Từ tấm gương của mẹ Oi, nhiều người dân cũng trồng lúa nước, nhờ vậy đã giải quyết được cái đói và góp lúa gạo nuôi bộ đội đánh thắng quân thù. Cũng nhờ đó mà Cù Bai được xem như là nơi trồng lúa nước đầu tiên của người Vân Kiều ở dải Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.
Ngày nay, Cù Bai lại tiếp tục đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài diện tích bời lời, Cù Bai còn có 60 ha lúa nước, năng suất bình quân 3 tấn/ha, mỗi năm mang về cho bà con 180 tấn lúa, giải quyết nạn thiếu đói, quanh năm người dân Cù Bai được ăn cơm trắng. Cũng nhờ sự chủ động vươn lên thoát nghèo, Cù Bai chăn nuôi 300 con trâu, 700 con bò và hàng nghìn con dê, thu nhập bình quân có hộ 6 - 7 triệu đồng/người/năm.
Chia tay bà con Vân Kiều trên miền biên viễn, lòng chúng tôi bỗng trào dâng niềm phấn khởi. Tết này bà con được no ấm hơn, đó vừa là kết quả của những tháng ngày lao động, vừa là một tín hiệu vui cho thấy người dân nơi đây đã biết chăm chỉ hơn trong sản xuất để thoát cái đói, cái nghèo vốn là một vật cản phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Đăng Đức - Quang Hà