Xuân sớm ở đảo tiền tiêu
(Dân trí) - Trước khi lên tàu, Đại tá Trần Văn Rồng, Phó Chính ủy vùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển 1 nói với chúng tôi: “Hôm nay, các anh chị ra đảo thì sẽ hơi có sóng một chút vì đang gió mùa”. Anh bạn đồng nghiệp ghé vào tai tôi bảo nhỏ: “Thủ trưởng mà còn nói phải nói thế thì hôm nay chắc là sóng ghê lắm đây!"
Lao vào sóng lớn.
Chỉ một lát sau là tôi thấm hiểu điều bạn tôi nói. Sau khi tàu Cảnh sát Biển số hiệu 2007 đưa chúng tôi đi phao số 0, qua đảo Long Châu thì sóng bắt đầu nổi lên. Loa từ phòng điều khiển vang lên trên đầu: “Đề nghị tất cả anh chị em phóng viên vào trong khoang, tuyệt đối không đi ra bên ngoài”. Kỳ thực, không đợi đến khi loa kêu, trước đó chúng tôi đã kịp nằm thu lu trong phòng nghỉ của thuyền viên. Mỗi người tự tìm cho mình một cái túi ni-lông để đề phòng “bất trắc”. Dù khá tự tin vào sức khỏe nhưng tôi cũng vẫn phải lén "thủ" một cái trong túi áo.
Khi chúng tôi đến được Bạch Long Vỹ thì trời đã tối mịt. Gần như tất cả chúng tôi đã kịp dùng hết "công cụ hỗ trợ" giấu trong túi áo. Sóng to, tàu lớn, không thể đi vào sâu nên toàn bộ hành khách được “chuyên” vào bằng tàu cá và tàu của bộ đội biên phòng. Tất cả máy móc và hành lý phải để lại trên khoang để sáng hôm sau chuyển vào.
Sớm hôm sau, khi chúng tôi cuốc bộ từ nhà khách của đội thanh niên xung phong ra âu tàu thì toàn bộ hàng hóa, đồ đạc, máy móc đã được chất đầy trên bờ để chuyển vào trong. Trung tá Lê Huy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1 cứ ngẩn ngơ tiếc vì không mang được cái chậu cây lớn để trồng cành đào đã mang ra từ đất liền. Sóng vẫn còn lớn nên tàu chưa thể cập âu tàu như dự định.
Ngay sau khi đồ đạc được tập kết tại sân Trạm Cảnh sát Biển huyện đảo Bạch Long Vỹ, tất cả anh em của Trạm đều bắt tay ngay vào việc bắc rạp, trang trí… chuẩn bị cho một buổi giao lưu “Tết với những người giữ biển”. Đây là một trong nhiều hoạt động thường kì của Cảnh sát Biển vùng 1, nhằm kịp thời thăm hỏi, động viên, chăm lo đến cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị quân đội, chính quyền và nhân dân trên đảo.
Phía sau Trạm, mấy chiến sĩ rộn ràng bắc nước, nhặt rau, thịt gà, mổ dê…để chuẩn bị cho buổi liên hoan sau khi giao lưu. Tiếng cười nói vang cả một góc đảo làm tôi không khỏi nhớ nhà. Tôi nhớ những ngày áp tết quê tôi, một vùng thuần nông ở châu thổ sông Hồng, giữa một cái sân chung to, cũng dao thớt, băm chặt, cũng nói cười xao xuyến. Mùa xuân đến thật rồi.
Lúc này, tôi có cơ hội nhìn kĩ hơn cành đào được mang từ đất liền ra đảo. Hóa ra, nó chỉ có dáng cây đào còn thực ra nó là cây sú vẹt. Hình dáng chẳng khác gì một cây đào cả. Trung tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1 nói, cây sú vẹt như tâm hồn người lính cảnh sát biển vậy, muôn đời vươn ra biển, bám biển, bảo vệ đất – nước trong bờ.
Năm nào cũng vậy, trước chuyến đi mang quà tết, hàng tết ra đảo vài ngày, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1 lại cử người đi tàu dọc biển, tìm cho được một cụm cây sú có dáng đẹp nhất, mang ra đảo để chung vui với những đồng đội không về gia đình ăn tết mà ở lại trực chiến. “Truyền thống này của chúng tôi có từ những ngày đầu thành lập lực lượng Cảnh sát Biển đấy nhà báo ạ” – Trung tá Hiển vừa luôn tay trang trí “cành đào” với anh em, vừa nói với chúng tôi như vậy.
Đón Tết trên cánh sóng
Trong lúc ở sâu trong đảo đang chuẩn bị đón xuân sớm, cánh nhà báo chúng tôi đi nhờ tàu cá để quay ra tàu lớn đang neo ở ngoài biển. Ngoài biển lớn, hai con tàu 2007 và 2008 đỗ gần nhau, các chiến sĩ cũng đang bắt tay vào chuẩn bị đón tết sớm.
Đại tá Trần Văn Rồng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam về tổ chức vui xuân, đón tết cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 1 đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, tập trung cho các lực lượng trực trên các vùng biển được phân công. Ngoài các chế độ, tiêu chuẩn chung, các anh còn có những phần quà riêng cho lực lượng trực chiến đấu để bớt đi những nhọc nhằn ở biển xa, vơi đi nỗi nhớ đất liền lúc sóng to, gió lớn. Các tàu, các bộ phận cũng tổ chức gói bánh chưng, trang trí thêm để tàu có thêm màu sắc.
Bên cạnh những niềm vui xuân mới nhưng các chiến sĩ vẫn nêu cao cảnh giác, việc trực chiến 24/24 được đảm bảo, tuần tra, canh gác càng phải nghiêm cẩn hơn ngày thường, vì thời điểm thời tiết xấu cuối năm, lúc đón tết, các hoạt động phi pháp trên biển diễn biến rất phức tạp.
Thuyền trưởng tàu Cảnh sát Biển 2008 là Thượng úy Nguyễn Thế Duyệt, anh sinh năm 1987. Vậy là tết này anh còn chưa đầy 30 tuổi. Anh tâm sự, năm nay anh vừa cưới vợ được một tuần thì nhận lệnh đi biển. Tổng cộng, anh đã có năm lần đón tết trên tàu, trong đó có hai cái tết luôn trực chiến trên biển. Cho đến khi chúng tôi đến Bạch Long Vỹ thì toàn bộ chiến sĩ của tàu 2008 đã có hơn 30 ngày thường trực trên biển không rời. Được cái là trên tàu cũng chả thiếu gì, phòng sinh hoạt chung được trang trí đẫm sắc xuân, cũng có đủ hoa tươi, bánh kẹo, cây mai mang ra từ đất liền. Một bát hương được đặt trang trọng giữa phòng khiến căn phòng càng thêm vẻ ấm áp. Thượng úy Duyệt còn cho biết, các anh còn nuôi cả lợn, gà trên tàu, khi cần liên hoan là cả tàu “ngả lợn” ra ngay, so với đất liền thì tết trên biển cũng không kém là mấy.
Còn nữa, chiến sĩ trẻ Hoàng Nghĩa Minh, sinh năm 1996, là người em út nhất trên tàu. Minh mới tham gia lực lượng cảnh sát biển được 10 tháng và làm việc chính thức trên tàu một tháng. Trò chuyện với chúng tôi, Minh không giấu nổi xúc động khi nhắc đến chuyện năm nay lần đầu tiên xa nhà, đón tết trên tàu. Tôi thấy Minh nắm chặt tay khi nói: "Anh em, đồng đội trên tàu rất thương em. Em sẽ cố gắng vượt qua nỗi nhớ nhà để hoàn thành nhiệm vụ".
Lên phòng điều khiển, tôi gặp Trung úy Nguyễn Tuấn Dương, phó thuyền trưởng. Anh đang trực tiếp điều khiển tàu. Nhìn theo cái nhìn của anh, tôi thấy mênh mông là nước, buột miệng tôi hỏi: “Hàng tháng trời cậu cứ nhìn mãi cái ô kính toàn nước này có thấy chán không?”. Dương khoát tay chỉ ra xa: “Anh có thấy cái phao đỏ đỏ ở kia không?”. Theo hướng chỉ của Dương, cố lắm tôi mới thấy một chấm đỏ bập bềnh trên sóng. Dương cười: “Phao trên lưới cá của ngư dân đấy anh ạ. Anh nhìn chỉ thấy nước thì chán là phải, bọn em còn thấy khối thứ khác, không chán được đâu. Đi mà gặp là lại phải đánh lái để né. Chân vịt mà cuốn vào lưới cá thì ngư dân mất lưới, còn bọn em có khi tan máy, mất cả tàu chứ chả chơi”.
Tôi nhớ câu chuyện truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân cứu dân lành, chém quái ngư thành ba khúc, khúc đuôi ném ra giữa biển Đông mà thành đảo Bạch Long Vỹ. “Không chán được đâu”, câu nói nhẹ bẫng như tan vào gió. Nhìn vẻ tươi tỉnh, bình thản của Trung úy Dương, nhìn gương mặt và cái nắm chặt tay của Minh, tôi chợt nhớ lại cái cười tủm tỉm của Đại tá Rồng khi ông bảo “hôm nay hơi có sóng” và chợt nhận ra chân lí giản dị “không thủy thủ nào trưởng thành từ sóng lặng”. Các chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam đang tiếp nối bước chân theo Cha năm xưa để ra biển, và các anh đang tự viết nên những huyền tích cho riêng mình.
Tử Hưng