Sơn La:
Xuân sớm ở bản người H’Mông không điện
(Dân trí) - Chúng tôi đến với bản Noóng Ọ B, một trong 3 bản người H’Mông tại xã Tạ Khoa - Bắc Yên (Sơn La) khi hương xuân đã chạm ngõ bản. Người Mông đang bừng bừng khí thế chào đón xuân mới, nhưng lại một năm nữa, dân bản phải ăn Tết dưới... ánh đèn dầu.
Gian nan đường về bản
Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng một đoàn từ thiện đến xã Tạ Khoa - một trong những mảnh đất xa xôi, khó khăn nhất của Sơn La - mới thấy được nỗi vất vả của bà con nơi đây.
Đã nếm trải nhiều hiểm trở của những cung đường Tây Bắc, nhưng đường đến với Noóng Ọ B vẫn không khỏi khiến tôi giật mình. Cách trung tâm huyện Bắc Yên (Sơn La) chưa đầy 40km nhưng con đường đến với bản Noóng Ọ B vô cùng hiểm trở, chả thế mà con đường này đã đi vào giai thoại khi trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều tay lái cừ khôi.
Với hơn 30km hành trình từ trung tâm huyện Bắc Yên, đoàn còn phải trải qua một con đường độc đạo vào bản khoảng 6km hoen hoẻn, len lỏi giữa một bên là những dãy núi tai mèo sừng sững và một bên là vực sâu thăm thẳm. Chỉ có xe đặc chủng leo núi trường kỳ như xe Minsk hay xe Uoat mới chinh phục nổi. Sau hành trình từ trung tâm huyện Bắc Yên đến “đường vào bản” thì chiếc xe tải duy nhất của đoàn cũng bị vô hiệu hóa.
Vậy là hàng hóa được chất lên chiếc xe Uoat duy nhất, còn “khách” chỉ còn phương án là phó mặc cho xe máy của những “tay lái bản”. Khi máy tắt, trước sự vui mừng của cả bản khi đón khách, chúng tôi vẫn chưa kịp hoàn hồn.
Có lẽ, phải lâu lắm rồi bản làng mới được đón khách. Thấy người dưới xuôi lên thăm, bà con vui mừng, nắm tay trìu mến. Trưởng bản Mùa A Lồng ngậm ngùi: “Bản mình ở xa quá, đường đi lại vất vả quá, lâu lắm rồi mới được đón người dưới xuôi lên thăm, cả bản mừng lắm”. Trước đường vào bản, những chị, những mẹ và cả các bé gái xúng xính váy dân tộc đón khách, bản làng như có hội. Những bộ váy sặc sỡ nổi bật giữa bốn bề núi rừng, chúng tôi biết rằng cái nghèo, cái khó chẳng thể lung lạc con người nơi đây.
Được biết, Tạ Khoa vốn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên. Với diện tích tự nhiên khoảng hơn 7.000ha, nhưng chủ yếu toàn là đồi trọc và núi đá, địa hình vô cùng hiểm trở lại thường xuyên bị lũ quét. Khó khăn chồng chất khó khăn, vì thế mà chỉ có ngô, sắn sống được với đất này.
Dịp cuối năm, khi vào bản nhìn quanh quất vẫn chỉ là những gốc ngô trơ trọi. Bà con bảo: Chỉ ngô mới sống được với đất này thôi. Vì thế mà những năm mất mùa, ngô là thức ăn chủ đạo. Ấy thế mà, đáng ngại hơn là trong 9 bản của xã Tạ Khoa thì có đến 3 bản người H’Mông không điện. Và Noóng Ọ B nơi chúng tôi dừng chân là một trong những bản thiếu ánh điện.
Khó quá... điện cũng chẳng buồn về
Với đặc trưng của các điểm bản nơi đây là “nằm vùng”, đặc biệt 3 bản Suối Hạ, Tà Đò B và Noóng Ọ B nằm trên địa hình vô cùng hiểm trở, vì thế mà điện lưới quốc gia cũng chưa vươn tới được... Riêng với Noóng Ọ B, cả bản có tới 77 hộ dân, với 463 nhân khẩu cũng đành ngậm ngùi dùng đèn dầu.
Chị Mùa thị Phiêng tâm sự: “Chắc bản mình ở xa quá, khó quá, điện nó cũng không muốn về với bản mình rồi”. Nghe cái “lý” mà chị nói, chúng tôi bỗng thấy ngậm ngùi. Không biết đến bao giờ, điện về được với bà con?
Địa hình khó khăn hiểm trở, nên việc đưa điểm trường đến với bản đã được thực thi. Tuy nhiên, cơ sở vật chất dưới mái trường cho con em trong bản vẫn còn thiếu thốn. Điểm nhánh của trường tiểu học Tạ Khoa về bản Noóng Ọ B được xây 3 phòng học, nhưng vẫn chưa dành đủ cho con em trong bản, giáo viên ở đây phải gia cố thêm một phòng học bằng tre nứa, lợp mái lá cọ cho các em.
Cô Nguyễn Thị Tình (quê Thanh Hóa) đã hai năm cắm bản cho biết: “Vào mùa mưa lũ, thầy và trò vô cùng khổ sở. Có những hôm lũ đến bất ngờ, thầy cô không kịp trở tay, thế là “tài sản” của thầy trò bị cuốn đi cả”. Cô Tình không quên giải thích, gia tài chỉ có sách vở, chiếc bảng đã sờn cũ và những chiếc ghế, chiếc bàn là công sức của bà con trong bản đóng tạm. Nhìn lớp học được gia cố với những tấm lợp bằng lá cọ, dựng bằng tre nứa hết sức tuềnh toàng mà không khỏi chạnh lòng.
Tuy là trường cắm bản, nhưng bản làng ở đây nằm rải rác bên các sườn núi nên nhiều học sinh phải vượt đoạn đường 2-3 km mới đến được lớp học. Với chỉ ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3, còn các em ở độ tuổi lớn hơn sẽ được chuyển về trường bán trú. Trời cuối năm, gió rét căm căm, nhưng quần áo các em đều không đủ ấm, còn chân đất đến trường là chuyện thường tình. Ấy thế mà, dường như quen với cái thiếu, cái lạnh vẫn không thể khỏa lấp những ánh mắt trong veo đầy thao thiết.
Vượt khó, vui xuân
Với đặc thù là một bản người H’Mông nên du xuân đón Tết của bà con đã được rục rịch chuẩn bị từ đầu tháng Chạp. Trước đây, 3 bản người H’Mông của Tạ Khoa ăn Tết nguyên đán trước cả tháng ròng. Nhưng những năm gần đây, dân bản chuyển dần sang lịch Tết của người Kinh. Tuy nhiên nhiều gia đình thì vẫn giữ được tục cũ, tháng Chạp vẫn là tháng nhàn dỗi của bà con nên không khí xuân đã đến với bản làng từ sớm.
Đến bản người H’Mông những ngày cuối năm này, nhà nào cũng có “cỗ” thiết khách. Cỗ ở đây không có gì nhiều, toàn “cây nhà lá vườn” do dân bản tự cung, tự cấp. Có gì, tiếp khách nấy, bà con chân chất, tự nhiên như chính núi rừng nơi đây.
Trong tháng Chạp, bà con tụ họp làm bánh dày, mổ lợn, gà rồi tổ chức những trò chơi dân gian... đón xuân sớm. Rũ bỏ những lo toan, vui xuân hết mình, họ nhanh chóng bị cuốn vào những điệu nhảy, những lời mời rượu xuân sớm... bỏ lại đằng sau những khó khăn mà vui xuân, đón Tết. Cứ ngỡ những khó khăn chất chồng sẽ quật ngã những con người cam trường nhất nơi đây, vậy mà không phải thế. Chính những con người đó đã thổi bừng lên ngọn lửa “sống” giữa bạt ngàn núi rừng chỉ toàn cây cỏ và núi đá.
Anh Thế - Quôc Đô