1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn

(Dân trí) - “Qua Tết, những người dân vạn đò ở đây sẽ được vào ở khu tái định cư đang được xây dựng, chấm dứt mấy chục năm lênh đênh trên sông nước”. Đó là lời khẳng định của Bí thư xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) với PV Dân trí.

Mấy chục năm nay, hàng chục hộ dân đầu nguồn sông Thu Bồn (thuộc thôn 3 và 6, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) vẫn lênh đênh cuộc sống trên sông. Nhiều gia đình có đến hai ba thế hệ cùng sống trên một con thuyền, bởi họ không có đất trên bờ để làm nhà.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 1
Hàng chục hộ dân “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn, thuộc thôn 3 và 6, xã Quế Lâm
 
“Xóm vạn đò” ở nơi đây có từ bao giờ cũng không ai nhớ nổi, chỉ biết nó đã hiện hữu từ rất lâu. Những người dân ở đây cho biết, cách đây ít năm, trên khúc sông Thu Bồn đoạn gần với Hòn Kẽm Đá Dừng (huyện Hiệp Đức) này có tới gần cả trăm gia đình vạn đò trú ngụ; bây giờ phần thì một số đã lên bờ lập nghiệp, phần ngược lên phía xã Hiệp Hòa (huyện Hiệp Đức) nhưng hiện nay còn lại 26 gia đình với hơn 100 nhân khẩu vẫn sống bám vào con đò mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá và đưa khách sang sông.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 2
 Cuộc sống của họ là đưa khách sang sông và đánh bắt cá

Bí thư xã Quế Lâm - ông Trần Thiện Thắng - cho biết: Mấy chục năm trước, ở đây có đến gần 100 gia đình cùng sinh sống trên sông. Năm 2000, họ rải rác lên bờ và còn được 40 hộ; và từ năm 2009 đến nay còn 26 hộ.

Vợ chồng ông Phạm Quốc và bà Ngô Thị Lụa năm nay đã 76 tuổi, không nhớ mình đã sống trên chiếc ghe này từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên họ đã theo bố mẹ dọc ngang khúc sông này mưu sinh bằng nghề đánh cá và đưa khách sang sông.

“Tôi cũng không nhớ xóm này có từ cái thời nào nữa chú à. Lớn lên, tôi và ông nhà gặp nhau cũng trên khúc sông này thế là thành vợ thành chồng rồi sinh con đẻ cái sống miết đến hôm nay”, bà Lụa tâm sự.

Bà Lụa cho biết, bà với ông nhà cũng sinh được vài người con nhưng lớn lên chúng đi học rồi kiếm cái nghề rời khỏi bến sông này lên bờ kiếm ăn chứ nếu bám theo nghề này đến già cũng không kiếm nổi một miếng đất để tá túc.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 3
Hai bà cháu trên ngôi “nhà” lênh đênh

Sống với nghề đánh cá từ trước đến nay nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi sông cạn kiệt tôm cá mà dân số của xóm vạn đò không ngừng tăng lên. Có hôm thả lưới cả đêm cũng chỉ được vài con cá nhỏ không đủ bữa chợ. Cuộc sống càng khó khăn hơn.

Nhưng cái tuổi của vợ chồng ông Quốc và bà Lụa cũng còn “trẻ” so với một số gia đình khác ở đây. Như vợ chồng ông Mai Nhứt và bà Huỳnh Thị Lúng, cả hai vợ chồng năm nay đều đã 80 tuổi nhưng ngày đêm vẫn phải chèo ghe đi thả lưới bắt cá tôm, ban ngày đưa đò sang sông để kiếm vài ngàn đắp đổi qua ngày.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 4
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 5
 

Chiếc ghe cũ của hai vợ chồng già vừa là nhà, vừa là giường và cũng là nơi chứa tất cả những gia sản cuộc sống của họ. Thậm chí, có nuôi được con gà, con heo họ cũng phải nuôi ngay trong “nhà” của mình. Sống trên ghe, đau ốm cũng nằm trên ghe. Chỉ có khi chết họ mới được chôn trên đất liền mà thôi.

“Giờ già yếu rồi con ơi, làm không nổi nữa. Tôm cá ngày càng ít mà sức khỏe mình không cho phép, sống được ngày nào hay ngày đó chứ biết sao bây giờ chú. Không làm thì ai nuôi mình đây?”, bà Lúng trải lòng.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 6
 Con cái của các gia đình chỉ biết quanh quẩn trên ghe
 
Đối với người dân “xóm vạn đò”, vào mùa mưa lũ là cả một vấn đề. Người dân ở đây cho biết khi mùa mưa lũ kéo về, tất cả họ đều cho ghe vào núp ở các con khe hay lạch kín gió để “nhà” không bị chìm xuống sông, vợ con thì lên bờ xin nhà người quen ngủ nhờ, còn cánh đàn ông thì không được rời ghe để bảo vệ “nhà” của mình.

“Xóm vạn đò” toàn là những gia đình người già, chỉ có ít gia đình trẻ vì không được học hành đầy đủ và không có nghề nghiệp trên bờ nên họ không “thoát” được. Anh Trần Quang Kết (30 tuổi) và vợ là chị Phạm Thị Thúy (29 tuổi) đã có hai cháu, cả hai cháu đều đang học tiểu học. Hàng ngày, chúng cũng phải rời “nhà” của mình để đến trường.

Anh Kết kể: Cha mẹ từ xưa đã sống trên ghe vì không có đất trên bờ để làm nhà. Tôi đi đánh cá dọc con sông Thu Bồn này gặp vợ tôi ở tận xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên) cũng sống trên ghe. Thế là chúng tôi cưới nhau.

Khi đám cưới, họ dựng rạp ngay bến ghe để tổ chức cưới hỏi rồi lại xuống ghe làm ăn sinh con đẻ cái. Cha mẹ nào có “của ăn của để” thì cho con chiếc ghe lớn, còn không có thì cho ghe nhỏ. Còn nhà nào không đủ sức lo cho con thì hai ba thế hệ cùng chung sống dưới một… mái ghe. Cứ thế cuộc sống vạn đò của họ tiếp diễn đời này qua đời khác.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 7
 
Thấu hiểu hoàn cảnh của mình nên hầu như các gia đình trẻ có con cái đều cố gắng làm lụng để con cái được đến trường. Vợ chồng anh Hồ Văn Ty (35 tuổi) và chị Phạm Thị Bảy (34 tuổi) có hai cháu đang đi học cấp hai. Tuy cuộc sống rất vất vả nhưng con của anh chị vẫn đến lớp đều đặn với chúng bạn trên bờ. Anh Ty tậm sự: "Tôi khổ mấy cũng được nhưng tôi không để các con tôi thất học anh à. Chỉ có con đường học mới có thể “lên bờ” được thôi".
 
Ước mơ của anh Ty cũng là ước mơ chung của hàng chục người dân ở “xóm vạn đò”. Ở đây họ chỉ biết làm hai nghề là đánh cá và đưa đò. Tuy nhiên, với nghề đưa đò, nguy cơ thất nghiệp hiển hiện trước mắt vì ngay tại bến sông này, một chiếc cầu treo đang được xây dựng và sắp hoàn thành, còn nghề đánh cá thì sông đã cạn kiệt, cá tôm ngày càng ít đi nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 8
 Một bà mẹ trẻ ru con trên thuyền
 
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch xã Quế Lâm - ông Lê Đức Thịnh - cho biết: Mấy năm qua cả xã và huyện Nông Sơn nên đã có khoảng 50 hộ dân đã được lên bờ, còn 26 hộ đang sống dưới ghe thì vừa qua bằng nguồn vốn của Quỹ biến đổi khí hậu, chúng tôi đang xây một khu tái định cư cho những người dân ở “xóm vạn đò” tái định cư.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 9
 Nguy cơ nghề đưa đò thất nghiệp khi chiếc cầu treo đưa vào sử dụng

“Về số tiền hỗ trợ họ xây nhà, chúng tôi áp dụng chính sách 167 của Chính phủ sẽ cấp cho mỗi hộ 12 triệu đồng và cho vay 8 triệu đồng trong thời hạn 10 năm để các hộ có điều kiện xây nhà”, ông Thịnh cho biết.

Với những thông tin từ lãnh đạo xã Quế Lâm, có lẽ đây là mùa xuân cuối cùng mà hàng chục người dân “xóm vạn đò” phải đón Tết trên bến sông với chiếc ghe mỏng manh của mình. Hy vọng với những mùa xuân sau, sẽ không còn “xóm vạn đò” nữa mà người dân ở đây sẽ đón Tết trong căn nhà mơ ước của mình.
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 10
 
Xuân cuối cùng của “xóm vạn đò” trên sông Thu Bồn - 11
 Niềm vui của con em “xóm vạn đò” khi được các nhà hảo tâm tặng quà nhân dịp Xuân về.
 
Công Bính