1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Xử nghiêm hành vi nhập khẩu, kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, phát tán, kinh doanh và nuôi trồng trái phép các loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức buổi làm việc với đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để bàn về các biện pháp phối hợp trong ngăn chặn, phòng ngừa và quản lý các loài ngoại lai xâm hại.

Xử nghiêm hành vi nhập khẩu, kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế; trong đó việc buôn bán, nhập lậu loài tôm hùm nước ngọt  (tôm hùm đất) trong thời gian gần đây mới chỉ là một vụ việc điển hình.

Bà Nhàn dẫn chứng bài học trước đây nhập ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) nhằm mục đích phát triển kinh tế, sau đó ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng. Loài rùa tai đỏ cũng được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.

Trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như: Ốc bươu vàng, mai dương (Mimosa pigra), trinh nữ móc (Mimosa diloptricha), cá lau kính (Hypostomus plecostomus)... Trong đó, đáng lo ngại là loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước; cây mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh thành trên cả nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch số 27/2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, cập nhật danh mục loài ngoại lai xâm hại và ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT.

Đồng thời Bộ đã đưa các thông tin về loài ngoại lai xâm hại này trên trang thông tin điện tử và báo chí về thông tin nhận dạng, tác hại, các biện pháp kiểm soát và các chế tài liên quan để các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân kiểm soát loài này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong nhận thức của các cơ quan quản lý và người dân về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại. Vào các dịp lễ tết, vẫn tồn tại việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh…

Trong khi đó các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại.

Các quy định chưa đề cập đến các yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại, một số nội dung khác chưa được quy định như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… Do vậy pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn.

Xử nghiêm hành vi nhập khẩu, kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại - 2

Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép tôm hùm đất (Ảnh: TTXVN).

Quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm

Đại diện của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị tăng cường công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan liên quan để xử lý nhanh chóng các vụ việc nóng; đồng thời tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về nhận dạng và quy trình xử lý sinh vật ngoại lai để ngăn chặn kịp thời sinh vật ngoài lai ngay từ cửa khẩu.

Đại diện Bộ Công An đề xuất có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sinh vật ngoại lai vì theo quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương bước đầu đã ngăn ngừa được sự phát triển của loài sinh vật ngoại lai tôm hùm nước ngọt, tuy nhiên không được lơ là, chủ quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại trong quá trình sửa đổi Luật Đa dạng sinh học 2008 và xây dựng hướng dẫn quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; định kỳ cập nhật bổ sung và công bố Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Ông Nhân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đề xuất các loài ngoại lai đã được đánh giá thông qua các nhiệm vụ điều tra, đánh giá để đưa vào danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, phát tán, kinh doanh và nuôi trồng trái phép các loài ngoại lai xâm hại.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm