1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xử lý vi phạm môi trường phải... trông trước trông sau!

(Dân trí) - Những vụ xử lý vi phạm môi trường chỉ mang tính chiếu lệ, người dân luôn gặp khó khăn khi đòi doanh nghiệp bồi thường đã trở thành vấn đề nhức nhối trong thời gian qua. Điều đáng nói là những bất cập ấy đến nay chưa có hướng giải quyết thỏa đáng.

Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Cách Tuyến - Phó tổng cục trưởng tổng cục môi trường đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua chỉ mang tính chiếu lệ. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Ông nghĩ sao về điều này?

Vấn đề là phải sửa luật, cụ thể là nghị định 81 xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Với nghị định hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ ở mức 70 triệu đồng, tới đây sẽ sửa đổi theo hướng phạt 500 triệu đồng.

Trong các hình thức xử lý đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm, có việc buộc doanh nghiệp phải tạm đình chỉ hoạt động. Biện pháp mạnh này khiến doanh nghiệp rất sợ nhưng tại sao ta rất ít áp dụng?

Cần phải có lộ trình. Nếu mình chưa vận động, tuyên truyền hoặc chưa thống nhất về biện pháp, mà làm mạnh quá cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, xã hội, công ăn việc làm của người dân. Vì vậy cần phải có bước đi thích hợp, có sự chuẩn bị về mặt luật pháp, tâm lý, kiến thức, thậm chí trang bị cả đạo đức về kinh doanh, môi trường để người ta sửa dần. Trong quá trình đó, mình cũng tăng cường các biện pháp chế tài thông qua hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, thống nhất về ý chí trong lãnh đạo chính trị và quản lý nhà nước, rồi tình hình sẽ cải thiện.

Vừa qua chúng ta mới chỉ thiên về xử lý hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm, mà ít xử lý hành chính đối với cá nhân trong đơn vị có vi phạm, điển hình như trong vụ Vedan?

Cái này mình cũng cần phải hoàn thiện lại hệ thống luật pháp. Lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều nước, mình cũng tham gia nhiều công ước quốc tế, vì vậy giờ làm cái gì cũng phải trông trước trông sau, để tất cả các yếu tố phải đồng bộ với nhau. Phải cân nhắc, tránh trường hợp quan hệ với các nước đầu tư vào Việt Nam có những cái không ổn sẽ ảnh hưởng đến bức tranh đầu tư chung.

Thực tế, chúng ta “vướng” luật hay “vướng” tư tưởng những người làm quản lý?

Chủ yếu do hệ thống luật pháp. Khi các công ty gây ra ô nhiễm thì chủ yếu xử lý công ty, doanh nghiệp chứ không có xu hướng xử lý cá nhân. Đó là cách làm phổ biến, giờ đến lúc mình phải xem lại.

Hiện người dân gặp khó khăn trong việc đòi doanh nghiệp bồi thường vì đã gây thiệt hại cho họ. Ông nghĩ gì về việc này?

Trong cảm quan của người dân, thì khi doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến đời sống của họ thì họ sẽ gửi khiếu nại tới chính quyền địa phương. Nhưng nhiều chính quyền địa phương lại có lý luận khác cho rằng đây là vấn đề dân sự, quan hệ bồi thường là quan hệ dân sự, và người dân phải khiếu kiện qua hệ thống toà án. Chính quyền không phán xét việc này.

Trên thực tế, người dân ở nông thôn chưa có thông tin đầy đủ nên gặp trở ngại khi khiếu kiện. Đây là việc lớn, đòi hỏi phải có chủ trương từ trên, phải có sự nối kết giữa tất cả các bên, để có một biện pháp hợp luật, hợp tình, hợp lý và hợp với sự phát triển. Có vậy mới phát triển và ổn định được.

Ở ta có thực trạng là nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên một dòng sông. Vậy làm sao xác định được mức độ gây thiệt hại, cũng như trách nhiệm phải bồi thường của từng doanh nghiệp đối với môi trường và người dân?

Các nước đã có quá trình phát triển, thì người ta quản lý theo tiêu chuẩn dòng, mỗi lưu vực nước có một tổng tải lượng chịu được của nó. Khi người ta phân tổng tải lượng đó cho các doanh nghiệp hai bên dòng sông, họ quy định nếu tất cả các doanh nghiệp đó, có tổng lượng xả vượt quá quy định của Chính phủ quy định, thì họ phải chịu trách nhiệm.

Còn bây giờ mình chỉ dùng tiêu chuẩn dòng ở ngay ống xả ra thì có thể đạt cho một doanh nghiệp, nhưng nếu tất cả các doanh nghiệp cùng xả ra, thì nó vượt quá sức chịu đựng của dòng sông. Bởi vậy trong bảo vệ chất lượng khu vực nước, người ta phân thành hai loại, một loại tiêu chuẩn điểm xả và một loại tiêu chuẩn dòng sông. Mỗi dòng sông đòi hỏi một chất lượng riêng và mỗi doanh nghiệp nằm trên lưu vực đó phải thoả mãn tiêu chuẩn dòng.

Vậy làm sao để doanh nghiệp buộc phải bồi thường thiệt hại cho môi trường và người dân?

Người ta tính được tổng tải lượng của đoạn sông đó là cỡ nào, tổng tải lượng chất thải mà đoạn sông đó nhận được đem chia cho các doanh nghiệp ở trên đó. Các chuyên gia chỉ cần biết anh sản xuất cái gì bao nhiêu sản lượng mỗi năm là tính ra được tổng tải lượng chất thải. Các doanh nghiệp đó phải ngồi lại với nhau cùng với “trọng tài” là chuyên gia, cơ quan quản lý là tính được ra ngay doanh nghiệp nào gây ô nhiễm và mức độ ra sao. Vì vậy doanh nghiệp không thể “đá” trách nhiệm cho đơn vị khác, để mình là người vô can. Để buộc các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào công tác quản lý.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương