Xử lý tình trạng cát cứ dữ liệu làm “kho” riêng của các bộ ngành
(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu xử lý tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan hiện nay, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ công một cửa của người dân.
Ngày 27/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đồng chủ trì hội thảo “Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương”.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số là xu hướng tất yếu, đang diễn ra sôi động. Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này và thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai các hệ thống: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Hệ thống họp của Chính phủ.
Trong thời gian ngắn vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, từ tháng 3/2019 đến nay đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được đưa vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Từ ngày khai trương cuối tháng 6/2019 đến nay đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 42 nghìn tài liệu giấy) và thực hiện xử lý trên 230 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 6 nghìn phiếu giấy và hơn 29 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.
Việc thiết lập và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ đã mang lại hiệu quả bước đầu khi sau hơn 2 tháng vận hành đã có hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17.0 triệu lượt truy cập, hơn 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công.
Những con số này, Bộ trưởng Mai Tiến Dúng đánh giá, đã cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.
Đề cập tới những vướng mắc, khó khăn cần khắc phục khi triển khai CPĐT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu xử lý tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan hiện nay. Ông nêu mục tiêu phải tạo nên kho dữ liệu dùng chung của các bộ ngành để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cửa thuận tiện nhất.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, để giải quyết vấn đề này thì vai trò của CIO (giám đốc công nghệ) của Chính phủ và các địa phương trong xây dựng CPĐT là rất quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò CIO Chính phủ với vai trò thuyền trưởng có thể hỗ trợ, tư vấn cho các CIO của các bộ ngành và địa phương.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận, đây là bài toán khó để thúc đẩy CPĐT.
“Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ về nghị định chia sẻ dữ liệu. Trong đó quy định rõ loại dữ liệu nào phải chia sẻ, loại thông tin nào dùng chung và ai là người được khai thác. Làm sao phải rõ ràng, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu của bộ, ngành” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.
Chia sẻ tại hội thảo, cố vấn Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng nêu thực tế, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nên cần có những dịch vụ công phù hợp và chính phủ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Tuy nhiên, nước này đã từng thất bại khi đưa ra dịch vụ mà người dân không sử dụng.
“Việt Nam cần tránh những bài học thất bại của Nhật và làm thế nào để người dân tận dụng được các dịch vụ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ dịch vụ số, kỹ thuật số cho người dân cũng như những người yếu thế trong xã hội” – đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản khuyến cáo.
Phương Thảo