Xử lý tình trạng "báo hóa" mạng xã hội, "tư nhân hóa" báo chí

Phùng Minh

(Dân trí) - Bộ Thông tin và Truyền thông nói về việc xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.

Tại hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Bộ Nội vụ tổ chức vừa diễn ra, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến tháng 7/2022, cả nước có 585 tổ chức hội ở Trung ương, trong số đó có 276 tổ chức hội là cơ quan chủ quản báo chí (12 báo và 298 tạp chí, chiếm khoảng 37% tổng số cơ quan báo chí toàn quốc).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên theo dõi, giám sát, nhắc nhở chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) của các cơ quan báo chí, đặc biệt đối với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép được cấp.

Xử lý tình trạng báo hóa mạng xã hội, tư nhân hóa báo chí - 1

Bộ Nội vụ ra mắt Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ (Ảnh: Anh Cao).

Từ tháng 1/2019 đến tháng 7/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành 16 cuộc thanh tra, 12 cuộc kiểm tra và nhiều cuộc làm việc để chấn chỉnh, xử lý biểu hiện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa báo chí".

Cơ quan này đã ban hành 84 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 2,8 tỷ đồng, trong đó 24 trường hợp vi phạm thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích.

Xuất phát từ việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, nhiều cơ quan báo chí dẫn đến sai phạm khác. Một số cơ quan báo chí đã để xảy ra nhiều vi phạm với tính chất rất nghiêm trọng, ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn (đình bản). Cụ thể, đình bản Báo điện tử Người tiêu dùng 3 tháng (năm 2019), đình bản tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam 2 tháng (năm 2019), đình bản Tạp chí Môi trường và Xã hội 2 tháng (năm 2020), đình bản Tạp chí Tri thức xanh 4 tháng (năm 2021), đình bản Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam 3 tháng (năm 2022)…

Việc kiểm tra, thanh tra cơ quan báo chí được các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đúng theo quy định pháp luật với sự tham gia của đại diện Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03)- Bộ Công an.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào hoạt động Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá việc chấp hành tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Qua đó nhắc nhở, định hướng nội dung tại hội nghị giao ban báo chí hàng tuần (đối với các báo) và hàng tháng (đối với các tạp chí).

Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về xem xét, xử lý sai phạm của cơ quan tạp chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra đối với 13 tạp chí. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của các tạp chí, đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 406 triệu đồng. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, Bộ này đã yêu cầu các tạp chí cam kết khắc phục sai phạm, tồn tại đã bị phát hiện theo lộ trình và thời gian cụ thể.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm được thực hiện quyết liệt, bài bản, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội bức xúc, quan tâm.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (chủ yếu là các tạp chí thuộc Hội, Viện). Từ tháng 4/2022 đến nay, việc triển khai thực hiện kế hoạch đã hoàn thành giai đoạn một đối với 10 cơ quan báo chí, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 616 triệu đồng.

"Các cơ quan báo chí đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích"- đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

4 cơ quan báo chí dừng hoạt động 5 chuyên trang để rà soát, chấn chỉnh hoạt động. 4 cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động liên quan đến việc liên kết sản xuất nội dung, chấm dứt việc cho đơn vị hợp tác, trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn lại tin, bài.

Các tạp chí thể hiện cụm từ "tạp chí" hoặc "tạp chí điện tử" trên giao diện trang chủ đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tránh gây nhầm lẫn giữa tạp chí và báo.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc về việc rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động các tổ chức hội; phối hợp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội, trong đó có trách nhiệm với vai trò cơ quan chủ quản báo chí.

"Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, rà soát, chấn chỉnh về việc thành lập tổ chức đảng của các cơ quan báo chí. Tổ chức đảng của cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên hiện nay có một số cơ quan báo chí, nhất là tạp chí thuộc Hội, Viện có đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức đảng"- Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị.

Mở trang thông tin điện tử về hội, quỹ 

Bộ Nội vụ thông tin, tính đến 12/2021, cả nước có hơn 93.400 hội (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù); gần 3.000 quỹ xã hội, quỹ từ thiện (85 quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh, số còn hoạt động trong phạm vi địa phương).

Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ ra mắt Trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu về hội, quỹ (http://csdlhoiquy.moha.gov.vn) và chính thức đi vào hoạt động trên môi trường mạng Internet từ ngày 7/10/2022.

Trang thông tin điện tử đã bước đầu hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong việc thành lập, hợp nhất, sát nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể hội, quỹ; tra cứu thông tin hội, quỹ; từng bước điện tử hóa công tác báo cáo, trao đổi thông tin giữa các hội, quỹ và Bộ Nội vụ…