Xử lý nghiêm hành vi trục lợi bất chính, bỏ rơi người lao động ở nước ngoài
(Dân trí) - Góp ý với dự luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, bỏ rơi người lao động...
Duy trì thường xuyên 500.000 người Việt làm việc ở nước ngoài
Trình dự luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 20/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ khi có Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 13 năm trước (năm 2006), số lượng người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài hàng năm đều tăng đáng kể.
Trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc.
Mục tiêu chung đặt ra là duy trì thường xuyên mức 500.000 người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Số người đi lao động đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng phát triển nhanh. 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp tăng gần 300, số người lao động được đưa đi cũng tăng nhanh, nhất là ở những địa bàn tiềm năng như Nhật, Đức, Hungari, Rumani. Bộ trưởng Lao động dẫn chứng, năm 2019, 1066 lao động được đưa sang Đức làm việc với mức lương 3000 USD/tháng, do phía Đức tự chi trả chi phí đào tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành (luật có hiệu lực từ 1/7/2007 - PV), thực tiễn đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật, như tình trạng lạm thu phí.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xác nhận, dù các loại phí đều công khai, loại gì thu thêm hay không thu đều ký kết giữa 2 quốc gia, tuy nhiên thực tế có tình trạng “bên ngoài” thu đúng nhưng đằng sau có những thỏa thuận ngấm ngầm.
Lãnh đạo Bộ Lao động cũng khẳng định, có tình trạng công ty “ma”, trá hình và vừa qua ngành đã xử lý nhiều trường hợp.
Liên quan vấn đề người lao động vi phạm, cố tình trốn ở lại nước sở tại sau khi hết hợp đồng, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, không chỉ có phần trách nhiệm ở phía người lao động mà còn có cả trách nhiệm của công ty đối tác, họ tìm cách giữ người để sử dụng. Với việc thực hiện quyết liệt, riêng với thị trường Hàn Quốc, sau 3 năm thì tỷ lệ lao động ở lại sau khi hết hợp đồng từ 56% giảm xuống còn 24%, thuộc dạng thấp so với các nước.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kỳ vọng, dự án luật này có thể thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn chất lượng, trình độ lao động, người lao động làm việc ở nước ngoài được đào tạo, có kinh nghiệm ở các nước phát triển quay trở về cống hiến cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, dự án luật phải gắn kết được thị trường việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài để sau khi người lao động hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước có thể tìm được việc làm, tiếp tục chính sách bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải thiết kế hệ thống quy định để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các hành vi nghiêm cấm cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong quy định của Luật. Đề nghị làm rõ hơn việc quy định đơn vị sự nghiệp công lập địa phương đưa lao động đi lao động nước ngoài.
Bà Ngân cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài có chương trình để quản lý, cân nhắc việc duy trì Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Về nội dung Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, UB Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng có báo cáo đánh giá. Theo cơ quan này, về bản chất, đây là khoản thu bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân, tương tự một khoản phí theo quy định của luật Phí và lệ phí nhưng được để lại để hình thành Quỹ và được giao cho một cơ quan quản lý, sử dụng nguồn thu này. UB Tài chính – Ngân sách đề nghị cân nhắc việc tiếp tục hình thành Quỹ này.
Kết luận về vấn đề Quỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khái quát, Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cho duy trì Quỹ này. Tuy nhiên, bà Phóng lưu ý, theo nội dung trình, Quỹ này sẽ là quỹ tự nguyện, người lao động cùng đóng góp để giải quyết các vấn đề phát sinh, dự phòng rủi ro, khác với trước đây là có sự tham gia của nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ chế quản lý, củng cố Hội đồng quản lý Quỹ ở Trung ương, tránh tình trạng nhiều địa phương cũng muốn có quỹ nhưng thiếu quản lý, làm phát sinh chuyện “cứ nộp tiền vào là đi”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo nội dung này với Quốc hội theo hướng duy trì và giữ Quỹ này ở cấp Trung ương, khi các nơi có vấn đề cần hỗ trợ, Hội đồng quản lý quỹ sẽ báo cáo để Bộ trưởng Lao động điều tiết chi.
Phương Thảo