Bình Định:
"Xóm lũ" đìu hiu ngày cận Tết
(Dân trí) - Thời điểm này, năm ngoái người dân xóm Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) sum vầy đón Tết. Nhưng trận lũ lịch sử giữa tháng 12/2016, đã xóa sạch 11 ngôi nhà ở xóm Cỏ. Không nhà nên người dân cũng không màng tới chuyện sắm Tết.
Tết không về xóm Cỏ
Trở lại xóm Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (Bình Định) chỉ còn đúng 4 ngày là đến Tết cổ truyền dân tộc. Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, chẳng thấy cái gì gọi là không khí chuẩn bị đón Tết. Người dân vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả, sửa sang lại các hồ nuôi tôm, đắp đường đi lại. Nhiều hộ vẫn đang tá túc ở nhà người thân, có gia đình thì liều ở tạm trong phần còn lại của căn nhà chưa sập hẳn. Nói đến Tết, người dân xóm Cỏ chỉ lắc đầu thở dài: Nhà cửa còn đâu mà nghĩ tới Tết!
Trong ngôi nhà bị sập phòng khách, tường nứt toác như muốn đổ ập xuống, ông Phan Văn Tiên (57 tuổi, xóm Cỏ, thôn An Xuyên 3) xua tay như chẳng muốn nói đến Tết. “Mọi năm giờ này, bà con mua sắm Tết nhộn nhịp, con cái quây quần đông đủ chuẩn bị đón Tết. Nhưng năm nay, nhà cửa sập còn đâu tâm trí mà vui chơi đón xuân. Trận lũ vừa qua, hơn 10 nhà dân xóm Cỏ bị cuốn sạch. Mới đây, huyện đã bố trí cấp đất ở chỗ mới, nhưng giờ xoay đâu ra tiền để xây dựng nhà mới. Gia đình tôi sống nhờ vào hồ tôm, nhưng cũng cuốn trôi theo lũ, thiệt hại gần 100 triệu đồng”.
Tết đến cận kề, nhưng vợ chồng chị Trần Thị Liên (31 tuổi) và anh Đoàn Văn Hòa (32 tuổi, xóm Cỏ) cùng 2 đứa con nhỏ đang phải “tá túc” ở nhà cha mẹ, chờ tiền hỗ trợ để dựng lại căn nhà bị cuốn phăng do lũ hồi cuối năm 2016.
Bế đứa con gái 8 tháng tuổi trên tay, chị Liên nói như hờn trách: “Giờ còn đang phải đi ở nhờ, lo ăn từng bữa cho qua ngày. Sống được ngày nào hay ngày đó chứ Tết nhất gì. Dân xóm Cỏ, sống chủ yếu vào nuôi tôm, giờ hồ tôm bị lũ tấn công hư hỏng. Khắc phục hơn tháng trời chưa xong, không biết chừng nào mới thả lại tôm, nên người dân còn lo thiếu ăn dài dài. Địa phương và các nhà hảo tâm có về hỗ trợ bà con nhưng từng đó chưa thấm so với mất mát của người dân”.
Phía nhà đối diện, con đường dẫn đến nhà anh Nguyễn Văn Hùng (44 tuổi, ở xóm Cỏ) cũng biến thành sông. Vịn tay vào cửa đứng trước ngôi nhà cấp 4 bị lũ giật sập khu nhà dưới, nên gần như toàn bộ sinh hoạt được gói gọn trong phòng khách chật hẹp. Phòng khách vừa là chỗ ngủ, vừa là nơi để nấu ăn, đến con cái học tập. “Không riêng gì các hộ dân xóm Cỏ có nhà sập hoàn toàn mà cả dân thôn An Xuyên 3 cũng không chờ mong gì Tết. Hàng trăm hồ tôm bị cuốn trôi theo lũ, thiệt hại mỗi hộ từ vài chục triệu đến hàng 100 triệu, thì tiền đâu mà mua sắm Tết”- anh Hùng thở dài.
"Ông Táo ơi! nhà sập rồi con đi đâu ông theo đó"
Không còn nhà cửa vì lũ cuốn nên ngày tiễn ông Táo lên chầu trời của người dân xóm Cỏ cũng rất đơn giản. Chỉ một bộ áo giấy mới, ít vàng hương rồi đem đến trước khu nhà bị lũ cuốn, thắp hương báo trước khi tiễn ông về trời. Người dân đều cầu mong, ông lên thiên đình sẽ bẩm báo, năm nay tình hình dưới hạ giới lũ lụt dữ quá, khiến người dân lâm cảnh lầm than, mất nhà cửa, mất Tết.
Đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng vợ chồng anh Phan Văn Sơn (33 tuổi, ở xóm Cỏ) vẫn nhớ như in đêm tháo chạy thoát khỏi họng lũ dữ. Đoạn đê sông La Tinh gần nhà bị vỡ đã cuốn phăng ngôi nhà mà vợ chồng anh dành dụm bao năm mới xây dựng được cách đây ít năm. “Lũ về quá nhanh, nước sông lớn quá, xé toạc đê nên vợ chồng tôi chỉ kịp ôm đứa con 17 ngày tuổi tháo chạy thoát ra khỏi nhà” - anh Sơn kể lại.
Từ ngày nhà bị lũ cuốn trôi, vợ chồng con cái anh Sơn phải ở nhờ nhà phía mẹ vợ. Ngày tiễn ông Táo lên chầu trời, gia đình anh chỉ mua một hộp bánh ngọt loại rẻ tiền, một bộ áo mới, ít vàng hương đem ra trước khu nhà đã san bằng do lũ. “Ông Công, ông Táo là thần giữ nhà, giữ đất, nhưng nhà không còn nên vợ chồng làm đơn giản báo ông gọi là. Chứ nhà không còn, mình đi đâu ông theo đó, ăn gì ông ăn nấy” - anh Sơn ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “Xóm Cỏ, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh là địa bàn chịu nhiều thiệt hại nặng nhất do lũ. Thời gian qua, các tổ chức từ thiện khắp nơi cùng chính quyền địa phương đã có hỗ trợ kịp thời để người dân ổn định cuộc sống và vui Xuân Đinh Dậu đầm ấm. Riêng 14 hộ dân có nhà sập hoàn toàn, trong đó có 10 hộ đang ở nhờ nhà người thân, còn 4 gia đình không có nhà ở địa phương đã dựng nhà bạt để người dân ở tạm ổn định cuộc sống. Hiện chính quyền địa phương cũng đã cấp đất mới cho người dân có nhà sập. Qua Tết Nguyên đán bà con nhân dân sẽ tiến hành xây dựng nhà mới để ở”.
Anh Hùng trông già hơn sau trận lũ dữ.
Doãn Công