1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xóm “đẻ chui” dưới chân cầu Long Biên

Trên những vũng nước đen kịt, ngay dưới chân cầu Long Biên cũ kỹ tấp nập người qua lại, bao năm qua có một nhóm người vô gia cư tụ tập tại đây, trôi dạt theo con nước. Điều lạ lùng là hầu hết những đứa trẻ sinh ra ở xóm nổi này đều được “đẻ chui”...

Túng quá hóa liều

Để đến được với xóm nổi (thuộc tổ 7, cụm 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội), chúng tôi phải đi qua con hẻm ngoằn ngoèo ẩm ướt rồi men theo con đường mòn với hai bên chi chít cỏ lau, rác rưởi nồng nặc mùi xú uế và vô số kim tiêm còn dính máu nằm ngổn ngang trên bãi cỏ. Vậy mà những đứa trẻ nơi đây với bàn chân trần vẫn hồn nhiên chạy nhảy khắp nơi.

Xóm nổi hiện có 17 hộ dân sinh sống, đa số họ đều là người tứ xứ trôi dạt về đây, người lâu thì đã ngót 20 năm, người mới cũng gần 1 năm. Chỗ ở của họ trước kia là bến đỗ cho thuyền bè vào trao đổi hàng hóa với chợ Long Biên. Do cuộc sống khó khăn cộng với giá nhà trọ đắt đỏ, một số người làm nghề cửu vạn trong chợ dạt ra bờ sông tá túc. Cứ thế dần dần hình thành cái xóm nổi này.
Xóm “đẻ chui” dưới chân cầu Long Biên - 1
Chiếc phao tự chế là phương tiện nối liền xóm nổi với bờ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nổi bập bềnh, rách nát, ông Nguyễn Đình Minh, tổ trưởng xóm nổi trầm ngâm: Có hơn chục đứa trẻ được sinh ra tại đây. Đứa lớn nhất đã qua 20 mùa nước nổi, đứa bé thì mới được vài tháng, còn lại là lít nhít.

Khi tôi đề cập tới vấn đề khai sinh của lũ trẻ, thoáng một chút buồn, ông Minh lật đật dẫn tôi sang nhà người hàng xóm. Gặp chị Phạm Thị Lĩnh đang bế trên tay một đứa nhỏ, hỏi ra được biết đó là cháu ngoại chị, mới sinh được 7 tháng. Hỏi các con và cháu chị có giấy khai sinh không, chị trả lời: Có hết rồi. Ông Minh nghe vậy vội mắng: “Chưa có thì cứ bảo là chưa, xấu hổ gì mà giấu với giếm!”.

Đến lúc này chị Lĩnh mới ngượng ngùng thú thật: “Âu cũng là do nghèo mà ra cả thôi! Tôi sinh cháu đầu ở bệnh viện C, khi cháu được 3 ngày, do không có tiền đóng viện phí nên tôi liều ôm con trốn về. Các cháu sau tôi cũng đành nhắm mắt làm như vậy cả. Đến cả lúc con gái tôi sinh con tôi vẫn phải bất đắc dĩ làm theo cách cũ”.

Do trốn tiền viện phí nên các con chị Lĩnh và đến giờ là cháu chị đều không đứa nào có giấy chứng sinh của bệnh viện. Như vậy, đồng nghĩa với việc làm giấy khai sinh cho con, cháu chị là không thể.

Cũng cảnh “đẻ chui” như chị Lĩnh, gia đình vợ chồng anh Vũ Minh Tú và chị Nguyễn Bích Hạnh có số phận hẩm hiu hơn. Quê ở Thanh Nhàn - Hà Nội nhưng do làm ăn thua lỗ, cả gia đình phải dạt ra sông sống đắp đổi qua ngày. Năm nay mới 31 tuổi nhưng chị Hạnh đã kịp sinh được 4 đứa con.

Cũng giống như chị Lĩnh, sau khi sinh con ở nhà hộ sinh B, ngay hôm sau chị đã ôm con “lủi” về nhà. Đứa sau nối tiếp đứa trước, chị Hạnh đều lợi dụng sự sơ hở của bảo vệ để “chuồn”. Vừa rồi, phải đến đứa thứ 4, chị mới cắn răng vay mượn được hơn 1 triệu đồng đóng tiền viện phí thì cháu bé mới may mắn có giấy chứng sinh. Đến nay, cháu bé đã được 2 tuổi mà món nợ ấy vẫn chưa trả xong.

Mịt mù tương lai

Mang tiếng là xóm nổi trên sông, song người dân ở đây không ai biết đánh cá. Nguồn sống duy nhất của họ là làm nghề nhặt rác và cửu vạn trên chợ Long Biên.

Đói nghèo cộng thiếu hiểu biết nên nhũng đứa trẻ nơi đây lớn lên một cách tự nhiên như cỏ dại. Dù được đi học lớp tình thương, hàng tháng được trợ cấp tiền và gạo nhưng chẳng đứa nào thích đến lớp, chúng chỉ ham mê kiếm tiền.

Ông Minh cho biết, kỷ lục học cao nhất ở xóm nổi này là chưa hết lớp 9, còn lại chỉ học hết lớp 4, lớp 5 là phải lao đi kiếm tiền. Không biết có phải do sống cạnh chợ mà bị ảnh hưởng hay không mà trẻ con ở đây nói năng xấc xược, hỗn láo vô cùng.

Nghèo và thất học đã khổ lắm rồi, lại thêm việc không có giấy khai sinh nên mảnh giấy thông hành vào tương lai của con trẻ nơi đây bị khép lại.

Chị Nguyễn Thị Oanh, một cư dân thâm niên tại xóm nổi ngậm ngùi kể. Con trai chị vừa rồi xin đi làm công nhân đều bị từ chối do không có bất cứ một thứ giấy tờ tùy thân nào. Có một nơi người ta chiếu cố nhận thì họ bảo chỉ trả một nửa số lương so với người lao động bình thường.

Có những trẻ vì bố mẹ nghèo quá mà phải đẻ chui; cũng có những trẻ may mắn có được giấy chứng sinh mà không dám làm giấy khai sinh vì sợ bị phạt do là con thứ 3, thứ 4.

“Lúc đầu chúng tôi nghĩ giấy khai sinh cũng chẳng để làm gì nên giờ mới khổ thế này! Giờ bảo chúng tôi đi làm giấy khai sinh cho các cháu chúng tôi cũng chẳng biết làm ở đâu, với lại tiền đâu mà làm?”, ông Minh thật thà nói.

Thật vậy, có căng mắt nhìn khắp cái xóm nổi này cũng không kiếm đâu ra thứ gì đáng giá. Những đồng tiền ít ỏi mà cư dân xóm nổi kiếm được từ nghề bốc vác, nhặt rác hay làm thuê không đủ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày.

Theo Nguyên Huân
An Ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm