1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xóm “bắt ốc đổi gạo”

(Dân trí) - Thức dậy khi gà còn chưa gáy, chị Hương ngụ ở Phường An Cựu, thành phố Huế, giống như bao người phụ nữ khác trong xóm, bắt đầu một ngày làm việc mới bằng việc lội xuống sông An Cựu kiếm con ốc, con sò, con hến…

“Bắt ốc đổi gạo”

 

Từ bao đời nay, nhánh sông An Cựu đã trở thành nguồn cung cấp thức ăn nuôi sống bao người. Cuộc sống khó khăn, vất vả vốn đã đeo bám những cư dân xóm nghèo ven sông. Ai cũng bám vào sông mà sống.

 

Chị Hương tâm sự: “Cuộc sống ngày càng khó khăn, nhiều khi muốn bỏ đi để kiếm cái nghề dẫu là làm thuê cho người khác nhưng lại thương con thương mẹ già không người chăm sóc nên đành bám vào những con sò, con hến bắt được mỗi ngày đi đổi gạo. Ngày nào may mắn cũng đủ tiền đong gạo nuôi gia đình, cũng có hôm không bắt được gì đành đi vay gạo người ta!”.

 

Không kể ngày mưa hay nắng, từ người già, thanh niên choai choai cho đến con trẻ  đều đáp bến, ngâm mình dưới cái lạnh thấu xương, đầy bùn đất, rác rến của sông An Cựu. Ông Thiện, một người đã 20 năm sống nhờ nghề mò ốc, cho biết: “Cái nghèo, đói cứ đeo bám người dân trong xóm, không có nghề ngỗng gì đành phải đi theo con sông, ngâm mình cả ngày dưới nước may ra mới có cái ăn. Cua, hến, tôm tép rồi cũng cạn dần; không biết rồi sau này các thế hệ con cháu trong xóm lấy gì mà sống!”. Vừa lắc đầu ngán ngẩm, ông Thiện vừa kéo đó dưới sông lên; bên trong có vài ba con tép nhảy lách tách.

 

Hôm tôi về “xóm mò cua bắt ốc” cũng là lúc những đợt lạnh đầu tiên kéo về phố Huế, cái rét lạnh căm căm thấm vào da thịt nhưng những cư dân của xóm nghèo này vẫn đắm mình dưới bùn và nước. Những đứa trẻ chân tay bủn rủn, teo tóp vì lạnh. Những nụ cười héo hắt nở trên môi vì: “Hôm nay em cũng bắt được gần 3kg, mỗi ký bán ngoài chợ cũng được 3- 4 ngàn, đủ để cả nhà có bữa cơm rau”, một cô bé 10 tuổi tâm sự.

 

Khổ nhất là vào mùa lũ, nước lên, sông An Cựu chỉ còn một màu đỏ và những cơn xoáy chất chứa đầy nguy hiểm. Mùa này, cư dân xóm nghèo phải tha phương, lang thang khắp phố phường để đi làm thuê làm mướn. Có người đi bốc hàng thuê ở chợ Đông Ba, có người lại đạp xích lô, có gia đình bồng bế nhau đi ăn xin…

 

Nghề nguy hiểm

 

Không đơn giản chỉ có cái lạnh thấu xương về mùa rét, những cư dân xóm nghèo An Cựu phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập từ dưới lòng sông.

 

Những mảnh vỡ của chai lọ, những ốm kim tiêm, những vật nhọn ẩn mình sâu dưới lòng sông,… rình rập những cư dân sống bằng nghề này. “Cứ độ vài ba hôm lại có người bị những mảnh vỡ, kim tiêm, sắt nhọn găm sâu vào lòng bàn chân. Nhẹ thì để lại vết sẹo, nặng thì có khi phải bỏ nghề; không may mà dính vi trùng uốn ván thì có khi mất mạng”, chị Hương kể.

 

Nhiều người theo nghề đã lâu cho biết, đã làm nghề thì phải biết chấp nhận rủi ro, chẳng may gặp nạn thì chỉ biết chịu đựng vì tiền ăn còn không có, huống chi tiền đi viện. Nhà anh Ty mới tháng trước đã phải vay nóng cả triệu bạc để đưa con gái đi viện điều trị do giẫm phải đinh độc. Gia đình vốn đã khó khăn lại thêm phần khốn đốn.

 

Ở cái xóm nghèo ven sông này, những người có học ít lắm, những đứa trẻ lớn lên đến tuổi hoặc là theo nghiệp cha mẹ, hoặc tha hương vào Nam làm thuê… Đi một vòng quanh thành phố Huế rực rỡ và mộng mơ, thấy nặng trĩu thương những em nhỏ đang tuổi tới trường, phải ngày đêm ngâm mình trong bùn nước lạnh nhiều hiểm nguy.

 

Bá Mạnh