1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xóm “ăn đèn, ngủ điện” ở Quảng Ngãi

Hàng tháng, ngoài tiền điện khoảng 50.000 đồng, gia đình chị Trâm còn phải chi thêm gần 20.000 đồng tiền dầu hỏa. Điện quá yếu nên nhiều đồ dùng, vật dụng như tivi, tủ lạnh, đầu đĩa... toàn sử dụng kiểu “ngày tắt, đêm bật”.

Chuyện ngược đời này đã tồn tại suốt 15 năm qua ở thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

 

“Điện giống đóm”

 

Nằm về phía Đông Bắc và chỉ cách trung tâm huyện Sơn Tịnh chưa đến 3 km, nhưng suốt 15 năm qua, hơn 200 hộ dân ở thôn Hòa Bình luôn phải chịu cảnh “có điện nhưng phải thắp đèn dầu” do điện quá yếu.

 

Người dân ở đây cho biết: Lưới điện được kéo về thôn từ năm 1991 và để có điện đến nhà, mỗi hộ đã phải đóng từ 150.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, điện chỉ sáng được 1-2 năm đầu, rồi sau đó yếu dần. Mặc dù đã thay bóng tiếp 220W bằng loại bóng tròn 110W, bóng quả ớt... nhưng ánh sáng tỏa ra cũng chỉ có màu nhờn nhợt, có lúc đỏ như gạch và cũng chỉ đủ rõ để đếm 5 ngón tay.

 

Vào những giờ cao điểm, bóng đèn leo lét chẳng khác nào hòn than. Trong khoảng thời gian từ 23h đêm đến 5h sáng hôm sau, điện lại khỏe bình thường. Thế nên mới có chuyện cứ bắt đầu chạng vạng tối, để ăn cơm, sinh hoạt..., 100% hộ dân ở Hòa Bình sử dụng đèn dầu. Muốn xem tivi, bật đèn điện, bơm nước thì đợi đến… giờ đi ngủ. Đã thành thói quen, mỗi khi có việc ra thị trấn, người dân ở đây thường cầm theo can nhựa để mua dầu hỏa.

 

Chị Lê Thị Trâm than thở: Điện quá yếu nên nhiều đồ dùng, vật dụng như tivi, tủ lạnh, đầu đĩa mua về đành phủ kín, chờ đến khuya mới sử dụng được.

 

Để “cải thiện” ánh sáng, gần 20 hộ dân đã bỏ thêm chi phí từ 300.000- 800.000 đồng kéo đường dây riêng, song thực tế cũng không khả quan là mấy. “Điện giống đóm” nhưng giá thì “cao chót vót”: 1.500-3.500 đồng/KW/h, cao gấp 3-5 lần so với giá gốc. Cá biệt trong tháng vừa qua, hộ gia đình ông Trương Dục (78 tuổi), ở xóm 3 đã phải trả 24.000 đồng cho 2 KW điện.

 

Khốn đốn vì điện

 

Không chỉ khổ vì cảnh “ăn đèn, ngủ điện”, người dân thôn Hòa Bình còn phải chịu nhiều thiệt hại do tình trạng điện chập chờn gây ra, tuổi thọ của các vật dụng giảm hẳn. Theo anh Lê Trung Hải, cứ 5-7 ngày gia đình anh phải thay bóng điện 1 lần.

 

Tuy nhiên, điều mà người dân lo sợ nhất là tình trạng mất an toàn của mạng lưới điện. Đã gần 16 năm qua, hệ thống đường dây vẫn chưa một lần được thay thế nên hư hỏng khá nặng. Các điểm tiếp nối không đảm bảo, lại mắc chồng chéo lên nhau. Chưa hết, dọc trục giao thông đi qua thôn, cùng một lúc gần 20 dây điện cột chùm nằm lòng thòng cách mặt đất khoảng 0,5 m, có khi dây điện còn được giăng lên cả bờ rào trước nhà, bụi cây...

 

Hàng chục công tơ bắt sơ sài, tạm bợ chung trên một trụ gỗ nên hiện tượng chập điện, cây cối bị chết do nhiễu điện, nhất là vào mùa mưa, vẫn thường xuyên xảy ra. Môtơ bơm nước, tivi cháy không còn là chuyện hiếm.

 

Không chỉ vật dụng hư hỏng mà sinh mạng người dân cũng thường xuyên bị đe dọa. Cách đây hơn 20 ngày, một bé trai khoảng 12 tuổi trèo lên cây trứng cá cao 2 m đã bị điện giật rơi xuống đất. Rất may vào lúc điện yếu nên không gây tử vong.

 

Hơn nữa, ý thức sử dụng điện an toàn của người dân nơi đây còn rất thấp. Hầu hết khi có sự cố mất điện, các gia đình thường tự trèo lên để sửa vì chờ người của tổ điện ở xã lâu.

 

Dân và chính quyền đều bức xúc

 

Nói về tình trạng điện “ngày mờ, đêm tỏ” ở thôn Hòa Bình, ông Ngô Bảo Hòa, Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông giải thích: Số hộ sử dụng điện ngày càng nhiều nhưng vẫn sử dụng hệ thống dây dẫn cũ với tiết diện nhỏ.

 

Mặt khác, lúc đầu việc xây các trạm biến áp ngoài thắp sáng còn để bơm nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên trạm đặt cách xa khu dân cư và chỉ có 4 trạm. Vì vậy, không những điện yếu mà lượng điện hao hụt hàng năm quá lớn. Riêng năm 2005, con số này lên đến 20.000KW, so với tổng số đã mua của điện lực 110.000KW. Số thất thoát này, xã đã bù cho ngành điện số tiền khoảng 50 triệu đồng. Đây cũng là lý do vì sao mà người dân phải trả tiền cao gấp nhiều lần so với quy định, mặc dù xã chỉ thu giá điện của người dân là 600 đồng/KW/h.

 

Đối với vấn đề cải tạo mạng lưới điện, mặc dù đã có kế hoạch nhưng do địa phương nằm trong vùng triển khai dự án năng lượng nông thôn II tỉnh Quảng Ngãi (phần hạ áp), nên không thể triển khai, thực hiện.

 

Trước mắt trong mùa mưa đến, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, chính quyền chỉ đạo cho tổ quản lý điện: Nếu hệ thống mạng lưới thôn, xóm nào đảm bảo; người dân không chấp hành các quy định an toàn trong sử dụng điện thì tạm dừng cung cấp điện cho nơi đó.

 

Theo C.Nguyễn

Công An Nhân Dân