“Xóa sổ” dịch vụ đòi nợ thuê, còn 5 tháng để tất toán các hợp đồng
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, sau 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ sẽ chấm dứt, toàn bộ các thanh quyết toán liên quan đến dịch vụ này cũng phải hoàn thành trước khi luật Đầu tư có hiệu lực.
Bỏ quy định giới hạn quy mô vốn đầu tư
Tại cuộc họp báo công bố luật sáng 10/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Một trong những nội dung đáng chú ý là luật đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Cấm hay không cấm dịch vụ này cũng là nội dung được tranh luận trái chiều từ phiên thảo luận đầu tiên đến phiên thảo luận sau cùng tại Quốc hội.
Vì thế, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, trước khi thông qua toàn văn dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết riêng điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Kết quả, tuyệt đại đa số các đại biểu tán thành, còn 16 người có quan điểm ngược lại và 5 đại biểu “bỏ phiếu trắng”.
Sau khi Luật Đầu tư được thông qua, đã có những ý kiến băn khoăn về số phận của hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, và câu hỏi này lại được đặt ra tại buổi họp báo công bố Luật.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, các doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ tiếp tục hoạt động bình thường đến 1/1/2021 (thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực). Sau đó,dịch vụ đòi nợ sẽ chấm dứt. Toàn bộ các thanh quyết toán liên quan đến dịch vụ này cũng phải hoàn thành trước khi luật có hiệu lực.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng nói thêm rằng, thường một doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều ngành nghề, ngoài dịch vụ đòi nợ thì các hoạt động khác của doanh nghiệp vẫn bình thường.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết, lần sửa đổi này, luật đã tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.
Nội dung đáng chú ý khác là luật đã bãi bỏ quy định Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại luật hiện hành. Ngoài ra luật cũng phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh sân golf.
Về quản lý nhà nước, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Thêm cơ quan giám định phục vụ việc “phá án” tham nhũng
Giới thiệu luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, một trong những điểm mới của luật lần này là thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự.
Việc này để góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Cụ thể luật quy định tại khoản 5 Điều 12 về “Phòng giám định hình sự thuộc VKSND tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.
Luật lần này cũng bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định.
Việc này để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Cụ thể, Điều 23 của luật bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân hoặc người thân của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Phương Thảo