Xoá đói giảm nghèo bền vững với “chiếc cần câu”
“Đem đến cần câu, không cho con cá” là triết lý trong chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Tập đoàn Viễn thông quân đội khi thực hiện chương trình 30A của Chính phủ. Tuy nhiên, cách làm của Tập đoàn này cũng có những khác biệt.
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình 30A tại Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), có những thôn bản, tập đoàn của Quân đội dường như bế tắc bởi độ khó, mà bản Poọng là một ví dụ điển hình. Chưa có điện lưới quốc gia, tệ nạn nghiện hút tràn lan, hầu hết nam thanh niên nhiễm HIV… tỷ lệ hộ đói nghèo thì đứng đầu huyện thuộc diện nghèo đói nhất nước.
Vì thế, thay vì tập trung đem lại những phương tiện vật chất như cái ăn, cái mặc hàng ngày, tập đoàn của Quân đội lại hướng vào những góc khác. Hỗ trợ phương tiện liên lạc (hạ tầng mạng viễn thông), hệ thống truyền thanh không dây (tivi, đài)… đến các thôn bản là phương thức đơn vị này đem thông tin đến với vùng nghèo, lạc hậu.
Bên cạnh đó, Viettel cũng hỗ trợ bà con trong việc xóa nhà tranh tre nứa lá, tư vấn cách thức trồng trọt, chăn nuôi và tặng cây, con giống… để người dân có sinh kế, tự vươn lên. Từ năm 2011 đến 2014, năng suất lúa lai của toàn huyện Mường Lát tăng từ 28 lên 42 tạ/ha, riêng tại bản Poọng luôn cao hơn mức bình quân (56-60 tạ/ha). Đây là một điều bất ngờ ở nơi từng có cái tên kinh hoàng “bản Siđa”.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch huyện Mường Lát chia sẻ, việc hỗ trợ 22 tấn giống ngô lai, 23 tấn giống lúa lai, không đơn thuần là vật chất về giống. Hỗ trợ kèm theo tư vấn trồng trọt giúp người dân nơi đây dần thay đổi nhận thức, thi nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vị chủ tịch cũng chia sẻ: “Ý thức của bà con về việc tự vươn lên sản xuất để thoát nghèo đã thay đổi rất nhiều. Rất nhiều bà con đã hăng say trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng… để có sinh kế bền vững chứ không dựa vào hỗ trợ hay cứu đói như trước”. Ngoài những đổi thay được coi là điểm sáng ở bản Poọng, cuối năm 2013 và 2014, nhiều hộ gia đình người Mông ở Mường Lát đã làm đơn xin tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Với những kết quả bước đầu về xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 1, Viettel đang triển khai chương trình 30A ở một bước mới. Đầu năm 2015, Tập đoàn này công bố giai đoạn 2 của chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững (30A) với việc khởi công xây dựng Trạm y tế ĐakRông trị giá tới 4,9 tỷ đồng ở Quảng Trị (diện tích 230 m2 và 10-12 phòng bệnh).
Trên thực tế, trước khi công bố giai đoạn 2, tập đoàn đã tiến hành nhiều hoạt động cho việc xóa đói giảm nghèo bền vững ở một mức độ cao hơn. Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn này cho biết, việc hỗ trợ người dân giảm nghèo trên cơ sở nhu cầu của bà con, đảm bảo thoát nghèo nhanh và bền vững theo yêu cầu của Chính phủ chứ không phải dựa trên những thế mạnh mà mình có.
Ông Vĩnh bổ sung thêm, trong giai đoạn đầu, tập đoàn chúng tôi tập trung xây dựng nhà tặng hộ nghèo và tặng bò giống để giải quyết 2 nhu cầu tối thiểu là nơi ăn chốn ở và phương tiện kiếm sống. Viettel sẽ hỗ trợ gần 500 hộ gia đình có nhà mới với kinh phí 60 triệu/ căn; tặng gần 1.000 con bò cùng với chuồng nuôi (ở Thanh Hóa và Quảng Trị).
Trong giai đoạn kế tiếp, 80% kinh phí hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục – vốn là nhu cầu cấp bách hiện nay. 20% còn lại sẽ đầu tư vào viễn thông và CNTT, giúp xoá khoảng cách về thông tin của người dân.
Về việc hỗ trợ hàng trăm hộ gia đình có nhà mới theo chương trình 30A với kinh phí 60 triệu/căn, ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao việc Tập đoàn Viễn thông quân đội đã tổ chức đoàn công tác xuống tận từng xã, huyện để tìm hiểu nhu cầu của người dân, khảo sát thực tế các đối tượng hộ nghèo trên địa bàn, đo đạc địa hình để thiết kế nhà cho phù hợp, nắm bắt đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đánh giá việc tặng bò cùng chuồng đi kèm với tư vấn về phương pháp chăn nuôi. “Khảo sát kĩ, hỗ trợ thiết thực sẽ mang lại hiệu quả tốt cho công tác xoá đói giảm nghèo bền vững”, ông Mai Thức nhận định.
Ngoài việc hỗ trợ về nơi ăn chốn ở, sinh kế, chăm sóc sức khỏe, Viettel còn hỗ trợ các địa phương khó khăn ở Thanh Hoá và Quảng Trị với các chương trình xã hội lớn như Internet trường học, Vì em hiếu học, hỗ trợ giáo viên vùng cao, hỗ trợ cước cho bộ đội biên phòng, Trái tim cho em…
Hà Nguyễn