1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xét xử vụ PMU 18: Nhà, xe thuê thật nhưng không ai dùng

(Dân trí) - “Các hợp đồng cho thuê nhà và xe đều có người thật, việc thật, không phải làm khống. Còn việc nhà thuê nhưng không ở là do nhu cầu của đơn vị tư vấn, các bị cáo không thể can thiệp” - 4 thuộc cấp của Dũng “tổng” phản cung trong phiên tòa ngày 29/7.

Xét xử vụ PMU 18: Nhà, xe thuê thật nhưng không ai dùng - 1
Các bị cáo tại phiên tòa
 
Theo cáo buộc của VKS tối cao, trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18, các bị cáo gồm: Vũ Mạnh Tiên (nguyên Chánh Văn phòng PMU 18); Lê Thị Thanh Hòa và Nguyễn Thanh Sơn (cùng là Phó phòng PID 6); Bùi Thu Hạnh (Phòng tài chính kế toán) đã yêu cầu Ban điều hành các gói thầu ký khống hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê ôtô, lập bảng lương khống, thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.
 
Cụ thể, bị cáo Tiên đã lập 3 hợp đồng cho thuê nhà và xe nhưng không có người đến ở “vun vén” được gần 300 triệu đồng. Tương tự, bị cáo Hòa cùng chồng Phạm Tiến Dũng (trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18, đã chết trong quá trình tạm giam) lập 3 hợp đồng cho thuê thu lợi tổng cộng hơn 500 triệu đồng.
 
Bị cáo Sơn lập 1 hợp đồng “tư túi” hơn 220 triệu đồng và bị cáo Hạnh đã lập khống bảng lương của 2 nhân viên để chiếm hưởng 53 triệu đồng.
 
Các bị cáo bị truy tố về tội làm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với khung hình phạt cao nhất ở mức 15 năm tù, nhẹ hơn nhiều so với cáo buộc tội “tham ô tài sản” những lần ra tòa trước với hình phạt có thể lên tới tử hình.
 
Xét xử vụ PMU 18: Nhà, xe thuê thật nhưng không ai dùng - 2
Bị cáo trả lời HĐXX
 
Dù vậy, cả 4 thuộc cấp củng Dũng “tổng” đều lên tiếng kêu bị truy tố oan. Các bị cáo lập luận, trong quá trình thực hiện các gói thầu, Ban điều hành đều dành khoản kinh phí để thuê nhà và xe cho nhân viên tư vấn.
 
Các hợp đồng cho thuê nhà và xe đều có người thật, việc thật, không phải làm khống. Còn việc các Ban điều hành thuê nhà nhưng không ở là do nhu cầu của họ, các bị cáo không thể can thiệp.
 
Phó phòng PID6 Lê Thị Thanh Hòa (vợ Phạm Tiến Dũng) dẫn chứng, vào thời điểm thực hiện các hợp đồng cho thuê nhà, bị cáo chỉ là nhân viên bình thường không có bất cứ quyền lực nào để buộc Ban điều hành phải thuê nhà, không có chức vụ quyền hạn gì để “lợi dụng”. Khi thuê nhà, bị cáo phải bỏ tiền ra để sữa chữa theo đúng yêu cầu của bên thuê, còn việc người thuê vì sao không đến ở thì bị cáo không biết.
 
Tương tự, người đồng cấp Nguyễn Thanh Sơn cho rằng việc thuê nhà là giao dịch giữa Ban điều hành và bố đẻ của Sơn, bản thân Sơn không trực tiếp ký vào hợp đồng và cũng không được hưởng đồng nào từ việc thuê nhà này.
 
Vũ Mạnh Tiên cũng lý lẽ, không tự ý ký kết các hợp đồng cho thuê nhà xe mà làm theo chỉ đạo của lãnh đạo PMU 18 nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, khi đối chất sếp ‘tổng” lại khẳng định không bao giờ chỉ đạo cho thuê khống mà chỉ cho thuê thật dựa vào nhu cầu của bên đối tác.
 
Chỉ có em gái Dũng “tổng”, bị cáo Bùi Thu Hạnh, thừa nhận việc làm khống bảng lương cho một loạt các nhân viên tư vấn nhưng là làm theo chỉ đạo của… sếp. Toàn bộ số tiền thu được, Hạnh đã nộp lại cho lại cho Trưởng phòng PID6.
 
“Nếu hỏi căn cứ thì rất khó cho bị cáo vì đưa tiền cho sếp có bao giờ dám bắt sếp phải ký xác nhận” - bị cáo phân bua.
 
Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần luận tội, đề nghị mức án của đại diện VKS.
 
Cuối buổi làm việc sáng, tòa xét hỏi những đơn vị được PMU18 cho mượn xe nhưng duy nhất đại diện Cục đường sắt VN có mặt. Đại diện văn phòng đơn vị này cho biết, tại thời điểm đó, Cục mới thành lập nên gặp nhiều khó khăn, không có trụ sở, không có phương tiện đi lại, đã nhiều lần đề nghị Bộ cho mua xe nhưng chưa được mua.
 
Quá trình đưa cán bộ đi khảo sát thực tế khó khăn, bất tiện. Năm 2006, Cục cũng đã trả lại xe khi PMU18 yêu cầu. Mượn được xe, đơn vị đã phát huy tác dụng, thúc đẩy dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
 
P. Thảo