1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Xếp hạng năng lực cạnh tranh: Hà Nội, TPHCM ngồi “chiếu” dưới

Hôm qua, lần đầu tiên ở Việt Nam, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam công bố. Kết quả ít nhiều gây sốc cho một số địa phương đặc biệt là Hà Nội, TPHCM chỉ xếp hạng 14 và 17.

Tuy không phải là chỉ số duy nhất để các nhà đầu tư lựa chọn, nhưng “sự kiện” cũng đã ít nhiều gây “sốc” cho một số địa phương. Bên cạnh niềm vui của các tỉnh bứt phá vượt lên “top” trên, có không ít nỗi buồn của các nhà quản lý khi thấy địa phương mình đứng ở vị trí quá khiêm tốn.

 

“Top” trên hồ hởi, “top” dưới bất ngờ

 

Có 9 tiêu chí được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN (VNCI) dựa vào để tính chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đó là: chi phí gia nhập thị trường; đất đai và mặt bằng kinh doanh; tính minh bạch và trách nhiệm; chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; thực hiện chính sách của TW; ưu đãi đối với DNNN, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

 

42 tỉnh với 16.200 mẫu phiếu điều tra được gửi đi, chỉ tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân, 2000 DN phản hồi (13% hơi thấp). Kết quả, bảng xếp hạng (XH) đã chia các tỉnh ra thành 5 nhóm tách biệt với các mức độ: tốt, khá, trung bình, tương đối thấp và thấp.

 

Theo đó, các tỉnh được xếp ở vị trí tốp 1 lần lượt là: Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Quảng Ninh. Đáng chú ý, 3 “đại gia” đô thị lớn là Hà Nội (XH 14), TPHCM (XH 17), Hải Phòng (XH 20) lại bất ngờ khi chỉ đứng trong tốp hai. Được đánh giá trung bình là Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Thừa Thiên- Huế, Bắc Ninh...

 

Còn Khánh Hoà, Hà Nam, An Giang, Thanh Hoá cũng chỉ rơi vào vùng “áp chót” - tức nhóm tương đối thấp!

 

Dường như đoán trước được phản ứng của dư luận về bảng “phong thần” các trí này, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế VCCI đã “trấn” ngay phút đầu công bố: “Hà Nội và TPHCM có những điều kiện truyền thống rất tốt, chi phí gia nhập thị trường lại thấp và yếu tố đất đai thuận lợi. Nếu cộng yếu tố đó vào, chắc chắn hai địa phương này sẽ có điểm cao nhất.

 

Tuy nhiên, nếu theo tiêu chí đã sắp xếp, hai thành phố này lại bị “tụt” xếp hạng vì tính minh bạch lại nằm trong nhóm thấp nhất.

 

Cũng như vậy với việc Hải Dương, niềm tự hào một thời của các KCN miền Bắc lại đứng gần cuối bảng (XH 39) và Hà Tây “đội sổ” thứ 42.

 

Ông Huỳnh cho hay: “Các tỉnh này vô cùng thấp điểm bởi yếu tố - tính minh bạch thấp”.

 

Chuyên gia kinh tế David Ray, Phó Giám đốc Dự án VNCI khẳng định: “Bảng XH chỉ xem xét về môi trường pháp lý, chính sách cấp tỉnh đối với sự tăng trưởng của khu vực tư nhân chứ không phải sự phát triển nói chung. Chúng tôi đánh giá cao sự khởi đầu từ con số 0 của các nhà lãnh đạo Bình Dương...”.

 

Tiêu chí xếp hạng có khách quan?

 

Nhìn vào bảng xếp hạng với vị trí tỉnh nhà thứ 23, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đức Lê không khỏi chạnh buồn. Ông bày tỏ suy nghĩ: “Mẫu điều tra chưa chuẩn, tính chính xác và trung thực của nhiều DN khi trả lời còn nhiều vấn đề đáng bàn”.

 

Theo ông Lê, việc nhóm điều tra “lờ tịt” các DN có vốn ĐTNN (FDI) với lý do đối tượng này đã có được nhiều ưu đãi là không công bằng. Để thu hút đầu tư, Bắc Ninh đã không ngần ngại mở rộng cửa ưu đãi thuế GTGT, mặt bằng sản xuất, đào tạo lao động và mở rộng các làng nghề.

 

Ông Lê khẳng định: Chính nhờ thái độ thân thiện, cởi mở, và ít chi phí bôi trơn đó, chúng tôi mới có được môi trường đầu tư đáng tự hào như hiện nay với 26 DN có vốn ĐTNN, 1200 DN tư nhân, 4 khu công nghiệp (Từ Sơn, công nghệ cao Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong). Nếu tự chấm điểm, tôi dám tự tin Bắc Ninh phải lọt vào nhóm khá”.

 

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Trần Quốc Hoa tỏ ra khá hài lòng với vị trí thứ 8 của tỉnh nhà. Ông hồ hởi: “Đó là kết quả của việc lãnh đạo tỉnh kiên quyết thực hiện cơ chế 1 cửa, giảm tối đa sự chồng chéo. Trong quá trình làm việc với DN, chúng tôi còn đề ra quy định: chỉ 2 ngày sau khi DN trình hồ sơ đăng ký kinh doanh là Sở KH&ĐT đã phải trình sang để UBND tỉnh cho ý kiến giải quyết”.

 

Bảng XH đã khách quan chưa và cần phải hoàn thiện những gì? Không phủ nhận kết quả nghiên cứu nhưng TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý: “Những yếu tố thị trường, cơ sở hạ tầng vay vốn ngân hàng, vốn được xem là một trong những tiêu chí khá quan trọng khi nói về PCI  của bất cứ một địa phương nào lại đang bị bỏ qua.

 

Chính vì vậy, cần xem xét lại vị trí tốp đầu của Vĩnh Long, Bến Tre. Trong số 7 tỉnh ở tốp khá thì Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nghệ An cần có sự đánh giá khách quan hơn.

 

Băn khoăn tại sao Bắc Ninh, Hưng Yên (XH 15) làm tốt lại thấp (?), bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng đã chỉ ra, việc lấy tiêu chí chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước để chấm điểm với các TPHCM và  Hà Nội là chưa phù hợp.

 

Theo bà Lan, rõ ràng các tỉnh này bị thấp điểm hơn những địa phương khác, vì trên thực tế do có đông DN muốn đầu tư, họ luôn bị quá tải hồ sơ.

 

Ngoài ra, bà Lan nhấn mạnh: “Không ít tỉnh được xếp hạng ở vị trí cao tại đây đang nằm trong danh sách “đen” 33 tỉnh “vượt rào” (theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, có 19 tỉnh trong bảng XH này đang nằm trong danh sách “vượt rào”)”.

 

Tuy còn khá nhiều tranh cãi về việc chấm điểm, tỷ lệ DN có phiếu trả lời ít, chưa đưa ra cái nhìn toàn diện, các tiêu chí xếp hạng nên bổ sung..., nhưng kết thúc buổi hội thảo, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều nhất trí: Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ gợi mở cho những người làm chính sách những vấn đề cần xúc tiến mạnh mẽ hơn.

 

Theo Tiền Phong, Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm