Xem xét trách nhiệm lãnh đạo tòa án tối cao vì làm chậm luật
(Dân trí) - Chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án cả năm qua, 2 lần trình UB Thường vụ QH vẫn chưa đạt, các Phó Chủ tịch QH đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tối cao trong việc chậm trễ này.
Sáng 14/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Pháp lệnh này để đồng bộ hóa với Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013). Điều 48 luật này quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của tòa án mà Tòa án nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể.
Vì vậy, Quốc hội giao UB Thường vụ, TAND tối cao xây dựng Pháp lệnh này. 6 tháng trước, dự thảo Pháp lệnh đã được trình một lần nhưng chưa “thông”. Lần này, do khoảng trống pháp luật, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn cho việc giải quyết án mà không xử lý được nên UB Thường vụ Quốc hội gắt gao đốc thúc.
Tuy nhiên, cho đến lần cho ý kiến chốt lại sáng nay, dự thảo Pháp lệnh do TAND tối cao trình vẫn bị “phê” nhiều mặt. Cơ quan thẩm tra - UB Tư pháp của Quốc hội không tán thành với nhiều quy định trong Dự thảo. UB Tư pháp cho rằng Dự thảo có nhiều điều khoản trùng lặp; chưa phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự thảo Pháp lệnh trình Thường vụ lần này không có nội dung nào mới so với bản dự thảo cũ đã được thẩm tra tại phiên họp toàn thể của UB này 6 tháng trước. TAND TC cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo Pháp lệnh đã trình lần 1.
UB Tư pháp cũng nhận thấy một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như chưa đảm bảo tính thống nhất với nhiều bộ luật khác.
Cụ thể, Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Tuy nhiên, một số quy định cụ thể của Dự thảo Pháp lệnh đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (như quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý… mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt…) nên cần được xem xét lại.
Nhiều quy định của Dự thảo Pháp lệnh cũng không phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại. Ví dụ: Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; về thẩm quyền tạm giữ người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án theo thủ tục hành chính; về thi hành quyết định xử lý bằng phạt tiền…
Bức xúc về việc làm luật chậm trễ, thiếu trách nhiệm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đã nhiều lần có ý kiến với UB Tư pháp để đốc thúc cơ quan soạn thảo nhưng phía TAND tối cao vẫn quá chậm. Yêu cầu rút kinh nghiệm vì khó chấp nhận chuyện “tắc trách” như này, ông Lý băn khoăn hướng xử lý tiếp theo là tiếp tục hoãn pháp lệnh này hay quyết hoàn thành gấp cho đúng kế hoạch đã định.
Phó Chủ tich Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc “ép tiến độ” không khả thi vì nếu chỉ một vài điều khoản có vấn đề còn bàn bạc, chỉnh kịp nhưng ở đây ngay cả quan điểm xây dựng dự thảo cũng… trái khoáy.
“Ai lại để dự thảo 6 tháng trước và 6 tháng sau vẫn trình lại y nguyên, không có giải trình gì. Tôi cũng nghĩ phải xem xét cả người phụ trách việc này đã để tình trạng đến vậy” - ông Sơn phê phán thẳng.
Tán thành hướng dừng một lần nữa việc cho ý kiến với Pháp lệnh để TAND tối cao chuẩn bị lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong việc chậm trễ này.
P.Thảo