Xem “Hai lúa” làm du lịch
(Dân trí) - Sáng 7/12, hội thảo “Nông dân TT-Huế làm du lịch” đã diễn ra, tổng kết lại 2 năm ra đời những tour du lịch cộng đồng về nông thôn để khách tham quan tự “mục sở thị” những sản phẩm thủ công vô cùng độc đáo do chính những người nông dân làm ra.
Qua 2 năm thực hiện dự án sáng tạo du lịch với nông dân, nhóm Lữ hành có trách nhiệm (RTG) cùng tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã thiết lập được 4 điểm tham quan du lịch cộng đồng, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch. Gồm: Tour tham quan làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn; tham quan phá Tam Giang bằng đường thủy hoặc đường bộ; khám phá khu du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện miền núi Nam Đông.
Du khách sẽ tận mắt chứng kiến nông dân làm các sản phẩm du lịch rất độc đáo mang hơi thở miền quê xứ Huế. Như mô hình bằng gỗ xinh xắn của cầu ngói Thanh Toàn, ông lão chăn trâu, những tấm vải thô ráp từ kỹ thuật dệt Zèng tại Nam Đông, tranh vật làng Sình trên giấy dó, hoa sen bằng giấy làng Thanh Tiên…
Độc đáo hơn, du khách còn có thể ngủ lại qua đêm trong những ngôi nhà rường tuổi đời hàng trăm năm ở “làng nhà rường” trứ danh Phước Tích, được cùng làm bánh, mứt, ăn cơm chung với chủ nhà và dạo chơi trong những khu vườn đầy cây trái.
Tự khám phá nét hoang sơ tuyệt diệu trên những nhà chồ trên Tam Giang - Cầu Hai - đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á, thăm những nông cụ của ngư dân nơi đây và thưởng thức hải sản nước lợ ít nơi có được.
“Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đưa nhiều tour đến nông thôn Huế hơn, tăng doanh thu cho nông dân và làm cho du lịch Huế có thêm nhiều sản phẩm tour, đồ lưu niệm đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”, bà Phạm Thị Duyên Anh, Cố vấn chương trình Du lịch bền vững của SNV cho biết
Dưới đây là một số hình ảnh của các Tour về làng cùng nông dân Huế và những sản phẩm thủ công vô cùng độc đáo do chính tay các “Hai lúa” làm ra.
Nghệ nhân làng Sình vẽ tranh giấy dó trên khuôn gỗ xưa
Du khách Nhật được người dân tộc huyện Nam Đông hướng dẫn nhảy múa
Mô hình cầu ngói Thanh Toàn rất tinh xảo
Ngư ông
Tranh bằng giấy dó mô phỏng lại những trận vật nảy lửa ở làng Sình
Đại Dương