Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) vừa tổ chức tiếp nhận 2 cá thể gà tiền mặt vàng hoang dã quý hiếm, nguy cấp.

Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận - 1

Theo Sách đỏ Việt Nam, gà tiền mặt vàng có tên khoa học Polyplectron bicalcarratum, thuộc họ Trĩ Phasianidae, bộ Gà Galliformes (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận - 2

Đặc điểm giống gà đực tiền mặt vàng chân có 2 cựa (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng LIên).

Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận - 3

Kiểm tra cá thể gà tiền mặt vàng trước khi nhận bàn giao từ Công an tỉnh Lai Châu về cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận - 4

Đại diện Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên tiếp nhận, cứu hộ động vật hoang dã từ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lai Châu bàn giao (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Xem gà tiền mặt vàng quý hiếm vừa được vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận - 5

Hai cá thể gà tiền mặt vàng và mèo rừng do Công an tỉnh Lai Châu bàn giao cứu hộ trong chuồng chăm sóc ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Ảnh: Vườn quốc gia Hoàng Liên).

Đại diện Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết, ngày 9/3 đơn vị đã tiếp nhận cứu hộ 2 cá thể Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcarratum), có tổng trọng lượng 0,95kg, do Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lai Châu bàn giao lại sau khi thu giữ.

Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Gà tiền mặt vàng có tên khoa học Polyplectron bicalcarratum, thuộc họ Trĩ Phasianidae, bộ Gà Galliformes. 

Ở Việt Nam có 2 phân loài: Phân loài Polyplectron bicalcarratum bicalcaratum (Linnaeus, 1758phân bố ở Tây Bắc Việt Nam, Phân loài Polyplectron bicalcarratum ghigii Delacour và Jabouille, 1924 phân bố ở vùng Đông Bắc kéo dài đến Quảng Nam, Đà Nẵng (Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà, Núi Chúa) là phân loài đặc hữu của Việt Nam.

Đặc điểm nhận dạng gà tiền mặt vàng: Gà (chim) đực trưởng thành nhìn tổng thể bộ lông màu xám tro hơi nâu. Da quanh mặt vàng phớt hồng. Đỉnh đầu có lông xù lên tựa như mào thấp, màu hơi vàng trắng. Hông, phần trước cổ nâu trắng nhạt. Phía sau cổ, ngực có những vệt trắng rõ. Lưng, phao câu và lông bao đuôi cũng có những vệt trắng xếp thành hàng ngay ngắn, nhưng nhạt mờ hơn ngực. Trên cánh có những sao tròn màu xanh lam óng ánh. Lông đuôi cũng có những sao dạng bầu dục màu lục xanh biếc. Mỗi đôi sao được xếp theo hàng ngang.

 Gà (chim) cái tương tự như chim đực nhưng cỡ nhỏ hơn, lông xỉn hơn. Da mặt màu hồng thịt. Màu trắng của mào, lông ở gáy và họng không rõ lắm. Những sao trên cánh nhỏ và đen hơn, ánh sao không rõ bằng ở chim đực. Trên các lông đuôi ngắn nhất không có sao.

Mỏ đen ở chóp và hai mép, phần còn lại màu hồng thịt, chân xám nâu, có 2 cựa (mỗi chân 1 cựa). Con cái cựa ít phát triển.

Gà tiền mặt vàng là loài chim quý, được xếp vào nhóm IB loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ; toàn dân cần tích cực bảo vệ gà tiền mặt vàng ở các khu vực chúng có mặt kể cả trong và ngoài các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên. 

Mọi hành vi vi phạm liên quan đến nhóm loài này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể trọng lượng, số lượng hay giá trị tang vật.

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên cũng cho biết thêm, ngày 1/3, đơn vị cũng đã tiến hành tiếp nhận một cá thể Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) do Công an huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu bàn giao sau khi thu giữ. 

Tất cả các cá thể gà tiền mặt vàng và mèo rừng nêu trên đều đã được kiểm tra và được đưa vào khu chuồng chăm sóc, theo dõi theo quy định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên ) đã tiến hành tiếp nhận 8 vụ với 14 cá thể thuộc 5 loài.

Tổng số động vật đang chăm sóc là 114 cá thể thuộc 33 loài. Trong đó, có 86 cá thể thuộc Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp./.