1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Xe Tết: Giá tăng chóng mặt

(Dân trí) - Mới ngày 23 tháng chạp mà giá vé xe chất lượng cao về Hà Nội tại Bến xe Miền Đông (TPHCM) đã gần “cháy”, với giá 720 ngàn đồng/vé. Xe tăng cường rẻ hơn không đáng kể, tương đương với giá vé tàu hỏa.

Theo ông Trần Duy Sinh - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông - nhà xe tăng giá vé trong dịp Tết là chuyện thường vì lượt đi đông khách nhưng lượt về thường vắng, trung bình chỉ chừng 60% số ghế là có khách.

 

Tại Bến xe Miền Tây, giá vé tăng được các doanh nghiệp giải thích là do chi phí bến bãi, dịch vụ đều tăng cao. Cụ thể, từ giá xe qua bến, phí hoa hồng bán vé ở bến, phí xe đậu qua đêm,… đều tăng.

 

Tuy nhiên, giá vé xe năm nay tăng 20-40% từ ngày 27/1 (20 tháng Chạp) và sẽ tiếp tục tăng lên 60% từ ngày 4/2 (28 tháng Chạp) là quá cao, cao hơn hẳn Tết năm ngoái (chỉ tăng chừng 30-40%).

 

Nhiều nhà xe than thở là giá xăng dầu liên tục tăng cao, lợi nhuận mỗi chuyến xe của doanh nghiệp trong suốt năm qua bị giảm đáng kể do không được tăng giá vé, nên dịp Tết tăng giá để bù lỗ. 

 

Nhưng theo tìm hiểu của PV Dân trí, có hiện tượng tăng theo phong trào. Đã có doanh nghiệp thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp đua nhau tăng giá trong dịp Tết nên chúng tôi cũng... tăng theo”. Thực tế, với mức giá này thì lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải là rất lớn. Mỗi chuyến xe 50 chỗ về Hà Nội doanh nghiệp có thể thu lợi gần 30 triệu đồng (không cần chở khách quá quy định). 

 

Ngoài ra, do trước Tết chừng 20 ngày, các chuyến xe chất lượng về bắc trong dịp Tết hầu như đều được đặt kín chỗ, giá tăng cao và nhu cầu khách cũng còn rất nhiều. Trong thời gian đó, theo quy định mới, các doanh nghiệp vận tải được tự in vé để bán, nhưng các hợp tác xã vận tải thì trù trừ chưa chịu in vé, đưa xe vào bến đón khách do mức thuế 5,36% mà cục thuế đánh vào số vé bán ra trong dịp tết. 

 

Còn các doanh nghiệp ủy thác cho bến xe bán vé thì chỉ chịu giao cho bến xe vé ngay ngày xe xuất bến, không giao vé đi trước. Do vậy, tạo nên cơn “sốt vé xe Tết ảo” trong thời gian 17-21/1.

 

Sau ngày 21/1, khi quy định này được gác lại, các hợp tác xã, xe doanh nghiệp đua nhau bán trước vé xe đi trong dịp Tết. Lúc này, vé xe đi trong dịp Tết của xe tăng cường và xe các doanh nghiệp ủy thác lại chạy theo giá sàn của các xe chất lượng cao đã bán trước đó, nghĩa là rất cao.

 

Ngày 23/1, vé xe tăng cường tuyến TPHCM - Hà Nội đi ngày 28 Tết đã là 670 ngàn/vé, bằng với giá của xe chất lượng cao, dù đây chỉ là xe hạng 2, 3 hoặc xe buýt với ghế đôi và không bật được. 

 

 

Đến ngày 27/1, khi được tăng giá vé, các xe chất lượng cao cũng kịp tăng giá vé tuyến TPHCM - Hà Nội lên 720 ngàn/vé cho các vé cuối cùng mà họ còn để lại. Tại nhiều doanh nghiệp còn có hiện tượng ém vé và buộc khách mua cao hơn cả giá niêm yết.

 

Vì vậy, nhiều người cho rằng: do cách làm ăn chụp giật, cách quản lý không khoa học, quy định phức tạp… đã góp phần làm tăng đột biến giá vé xe tết năm nay.

 

Do ai? Vì đâu? thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Thế nhưng, trong dịp Tết này, nhiều sinh viên, công nhân nghèo phải cắn răng chịu cái giá trên trời để có vé về quê sum họp gia đình.

 

Tùng Nguyên