1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

“Xe buýt như đứa trẻ suy dinh dưỡng”

(Dân trí) - Qua 10 năm triển khai chương trình trợ giá xe buýt (2002-2012) tại TPHCM, giá xe buýt đã tăng gấp 5 lần và tiền trợ giá hàng năm từ ngân sách tăng khoảng 36 lần. Tuy nhiên, lượng khách chỉ tăng khoảng 10 lần.

Tiền trợ giá xe buýt ngày càng tăng cao mà lượng khách tăng không tương xứng
Tiền trợ giá xe buýt ngày càng tăng cao mà lượng khách tăng không tương xứng

Càng nuôi càng yếu

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, năm 2002, khi bắt đầu triển khai lại hoạt động của xe buýt, TPHCM chi 38,6 tỷ đồng để trợ giá. 10 năm sau, năm 2012, TP phải chi hơn 1.400 tỷ đồng. Dự kiến, con số này trong năm 2013 sẽ là gần 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, tiền trợ giá hàng năm tăng hơn 2 lần nhưng số hành khách phục vụ vẫn chỉ đạt quanh mức hơn 300 triệu hành khách, hầu như không tăng.

Qua những con số trên, các đại biểu tham gia hội thảo “Vấn đề trợ giá xe buýt - Tồn tại và các giải pháp định hướng” tổ chức tại TPHCM ngày 31/7 đều đánh giá xe buýt như một đứa trẻ suy dinh dưỡng, ăn nhiều mà chậm lớn.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho rằng: “Trợ giá xe buýt tại TPHCM cứ như đang nuôi một đứa trẻ ngày càng yếu đi. Lẽ ra càng lớn thì bú mẹ càng ít, nhưng ở đây thì càng lúc càng bú nhiều mà đứa trẻ thì càng yếu dần đi”.

Ông Vũ Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM thì nói thẳng: Xe buýt như đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, cần chế độ ăn đặc biệt mới gánh nổi trách nhiệm lớn (tăng lượng vận chuyển). Còn TS Võ Kim Cương thí ví von nguồn ngân sách trợ giá như “thực phẩm chức năng”, và vì xe buýt “suy dinh dưỡng” nên cần “thực phẩm chức năng để có sức đề kháng đảm đương nhiệm vụ”.

Trước những chỉ trích gay gắt của đại biểu, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT giải thích trợ giá tăng cao trong giai đoạn 2008 - 2012 chủ yếu là do giá xăng, tiền lương tối thiểu tăng (2 yếu tố này chiếm 70% chi phí hoạt động của xe buýt). Còn sản lượng hành khách tăng chưa tương xứng có nhiều nguyên nhân như xe buýt xuống cấp, thời gian hành trình dài…

Cần tính toán lại cách trợ giá

Tuy không hài lòng về kết quả hoạt động của xe buýt nhưng các đại biểu đều nhất trí phải duy trì và phát triển hoạt động vận tải này mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân TPHCM. Mà muốn vậy thì không thể “thả nổi” giá vé xe buýt, khi đó giá vé xe buýt sẽ rất cao và người dân sẽ quay lưng với nó. Do đó, trợ giá là điều bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, các đại biểu đều đồng tình là nên tính lại cách trợ giá.

Chẳng hạn như cách khoán doanh thu của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đã bị các đại diện doanh nghiệp xe buýt than phiền là quá cao, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không đạt mức khoán sẽ vụ phạt nặng nên dẫn đến hiện tượng tài xế xe buýt phải xé vé khống mà báo chí phản ánh thời gian qua. Hành vi này thực tế vừa gây phản cảm, thiệt hại cho xã hội mà còn gây hại cho cả doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, hành vi xé vé khống để đạt mức khoán doanh thu của tài xế xe buýt là không hiểu bản chất của hoạt động trợ giá. Tuy nhiên, đơn vị này hứa sẽ xem xét lại mức khoán.

Các đại biểu đều đề nghị nên thay đổi cách trợ giá từ trực tiếp sang gián tiếp, thay vì lấy ngân sách trợ giá cho vé xe thì hỗ trợ doanh nghiệp xe buýt đầu tư các loại hình kinh doanh khác để tăng nguồn thu như cho quảng cáo trên xe, đầu tư bến bãi để thu phí quản lý…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Sở GTVT phải mạnh dạn cải thiện những tồn tại lâu nay của ngành xe buýt để ngành này hoạt động hiệu quả hơn, cụ thể như: cắt giảm các tuyến kém hiệu quả, sắp xếp lại các luồng tuyến trùng nhau, lập luồng xe ưu tiên để giảm thời gian hành trình, cải thiện thái độ ứng xử của tài xế và tiếp viên…

Tùng Nguyên