1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây dựng thói quen chống... “tư duy tham nhũng”

(Dân trí) - “Đấu tranh chống tham nhũng là lâu dài, với không chỉ một vài đối tượng mà quan trọng là với tư duy tham nhũng” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Hội thảo về vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong phòng, chống tham nhũng.

Chống tham nhũng không chỉ là việc của nhà nước

Tại buổi hội thảo ngày 25/9, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, nguy cơ tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận. Hội nghị TƯ 5 của Đảng cũng như trên diễn đàn QH đều khẳng định tham nhũng nghiêm trọng và tràn lan, đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Ông Truyền khái quát, dư luận toàn dân đều muốn chống tham nhũng, song phản ứng của họ vẫn chưa trở thành một lực lượng, hay chưa trở thành một "áp lực xã hội" có thể thúc giục chính quyền và tạo ra những thay đổi trong chính sách.

Một trong những công cụ phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là giám sát và phản biện xã hội. Ông Truyền phân tích, việc này vốn là nhiệm vụ quan trọng nhất của MTTQ. Nhưng là “người nhà”, thẳng thắn đánh giá, ông Truyền vẫn cho rằng hoạt động của cơ quan này chưa hiệu quả.

Trong khi đó, với bản chất hoạt động của mình, các tổ chức phi chính phủ có thể tham gia phần việc này. Các NGO có thế mạnh lớn là khả năng đi sâu phát hiện vấn đề để đề xuất trong quá trình xây dựng luật và chính sách.
Các tổ chức xã hội dân sự là một lực lượng tích cực trong cuộc chiến với tham nhũng.
Các tổ chức xã hội dân sự là một lực lượng tích cực trong cuộc chiến với tham nhũng.

Tán thành quan điểm huy động một cuộc đấu tranh toàn dân ông Truyền đưa ra, Nhóm công tác về sự tham gia của người dân (PPWG) đặt vấn đề, tham nhũng hiện đã được nhìn nhận như một hiện tượng văn hóa, tức là một phần của cuộc sống, một phần của sinh hoạt xã hội và bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong sinh hoạt thường ngày.

Phòng, chống tham nhũng, vì thế, không thể được coi là việc riêng của các cơ quan nhà nước. Bổ sung vào đó phải có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó có vai trò rất quan trọng của các tổ chức phi chính phủ.  

Chủ tịch PPWG Lê Quang Bình cho rằng, hơn 1.000 NGO trên cả nước có thể tham khảo để mở rộng dần hoạt động của mình. Tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, được toàn xã hội quan tâm. Đây là vấn đề có thể lồng ghép vào nhiều hoạt động đa dạng mà các NGO đang tiến hành, qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc PCTN mà Nhà nước đang tiến hành.

Cuộc chiến với “tư duy tham nhũng”

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) cũng cho rằng, các NGO với thế mạnh về điều tra, khảo sát, nghiên cứu có thể ngày càng đi sâu vào các nội dung cụ thể trong phòng, chống tham nhũng như công khai kê khai tài sản của những người có chức vụ, minh bạch thu chi của các cơ quan nhà nước, thu chi học phí, viện phí...

Ông Thuyết cho rằng, với những thông tin từ các hoạt động của mình, các NGO cần chủ động, mạnh dạn đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện luật pháp về phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, các NGO đã bước đầu làm việc này qua cung cấp thông tin cho đại biểu có quan tâm và có dũng khí để đưa ra trao đổi trên diễn đàn Quốc hội.

Ngoài ra NGO có thể đóng góp là nâng cao nhận thức cho nhân dân, hoàn thiện nhận thức và thái độ với tham nhũng, hình thành một thói quen dân chủ.

 “Việc này các NGO đã làm nhưng cần làm nhiều hơn, vì đấu tranh chống tham nhũng là lâu dài, với không chỉ một vài đối tượng mà quan trọng nhất là với tư duy tham nhũng” – ông Thuyết nhấn mạnh.

Hội nghị đã đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế, có không ít những tổ chức đã triển khai những dự án tranh đấu cho công khai, minh bạch, liêm chính. Viện Tư vấn phát triển (CODE) từ năm 2007 đã tham gia phản biện dự án bô-xít của Chính phủ. CODE cũng tham gia vận động chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI), hiện có 36 quốc gia tham gia. Trong chương trình này, CODE đã nghiên cứu, khảo sát về nguy cơ và thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản.

Với tinh thần xây dựng và nỗ lực vận động chính sách, NGO này đã được cơ quan của QH mời tham gia đoàn giám sát về những tồn tại của ngành khai khoáng…

Đơn giản hơn, tổ chức Live&Learn thì nhắm đến đối tượng là giới trẻ để xây dựng một xã hội minh bạch và bền vững, thu hút các bạn trẻ vào các cuộc đối thoại, biến tham nhũng từ một chủ đề "nhàm chán" và "to tát" thành một nhận thức thiết thân, khuyến khích họ chủ động xác định lập trường và thái độ trước tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng “vặt” ngay trong môi trường học đường.

Tuy nhiên, thực tế, các tổ chức phi chính phủ hiện tại cũng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động của mình. Trưởng phòng Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học thanh tra Trần Văn Long dẫn chứng, dù luật Phòng chống tham nhũng có dành một chương quy định về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng nhưng cách hiểu về xã hội dân sự ở Việt Nam còn hẹp so với thế giới. Các NGO chưa được thừa nhận cũng như chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động.

Thực tế, vẫn chỉ có rất ít các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam tham gia vào lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và lạc quan về việc thay đổi nhận thức của những người tham gia về phòng, chống tham nhũng.

Phó Viện trưởng Viện CODE Phạm Quang Tú chốt lại, mong muốn hơn cả của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này là có được một cơ chế để nhà nước, chính quyền phản hồi những ý kiến đóng góp mang tính phản biện của các NGO nói riêng và xã hội dân sự nói chung.

P.Thảo