Xây dựng kế hoạch thi hành dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN TƯ theo dõi.

Sáng 1/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Kế hoạch 18- KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư trong Bộ, ngành Tư pháp.

Tại 63 điểm cầu địa phương có Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Xây dựng kế hoạch thi hành dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế - 1

Bộ trưởng Lê Thành Long (giữa) chủ trì hội nghị trực tuyến (Ảnh: Ngọc Dung).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, sự ra đời của Chỉ thị 04-CT/TW có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp và nhất là hệ thống cơ quan thi hành án dân sự trong việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư có chỉ thị riêng về công tác này, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Đảng, của Ban Bí thư đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng như công tác thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu, việc quán triệt Chỉ thị 04-CT/TW và kế hoạch của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phải đi vào thực chất; mỗi đảng viên, công chức trong toàn hệ thống thi hành án dân sự phải tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương và nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực lĩnh vực này.

Ông khẳng định công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế những năm vừa qua luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt. Kết quả thu hồi tài sản có những chuyển biến, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, từ giai đoạn 2013-2020, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã tích cực xác minh, xử lý tài sản để thu hồi được gần 48.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi đã thi hành xong gần 23.000 tỷ đồng. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra kiểm tra được quan tâm hơn, nhiều sai phạm xảy ra đã bị xử lý nghiêm.

Xây dựng kế hoạch thi hành dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế - 2

Các vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng có tổng số tiền phải bồi thường là 785 tỷ đồng, hiện nay mới thi hành được hơn 8 tỷ đồng, còn khoảng 777 tỷ đồng. Trong đó, riêng ông Đinh La Thăng có trách nhiệm bồi thường 630 tỷ nhưng mới thi hành được 4,5 tỷ đồng (Ảnh minh họa).

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người đứng đầu đơn vị trong nhận thức và hành động để triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 04 và Kế hoạch số 18 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng và các nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình.

Đặc biệt trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án phải trực tiếp chỉ đạo, giám sát, đôn đốc; xây dựng kế hoạch, phương án để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc.

Chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án nói chung, công tác thu hồi tài sản nói riêng, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, cần sự vào cuộc của cấp ủy, sự đồng thuận của các cơ quan liên quan. Thực hiện  tốt hơn, kịp thời hơn nữa trong công tác phối hợp với các cơ quan từ công tác xác minh, xử lý tài sản thi hành án đến tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể trong thu hồi tài sản.

 Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu tội phạm

Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng;

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.