Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ
(Dân trí) - Ngay sau khi giá xăng dầu tăng, người dân cả nước lại hứng chịu một đợt tăng giá mới đến chóng mặt. Ở Nghệ An, nhiều tàu cá đang đối mặt với nguy cơ nằm bờ do không kham nổi giá nhiên liệu.
Ngư dân bỏ thuyền
Dọc theo các tuyến miền biển từ Cửa Hội, Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… hàng ngàn chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ đang bất động nằm bờ. Tại cảng cá Diễn Ngọc -Diễn Châu, khác với không khí tấp nập trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán nhộn nhịp trước đây, cảng cá hoang vắng lạ thường.
Ông Ngô Sĩ Đông - Chủ nhiệm HTX đánh bắt cá xa bờ Ngọc Châu - buồn bã: “Chúng tôi có 3 đôi tàu đánh bắt cá xa bờ, xăng dầu tăng giá liên tục đợt trước nên 4 tháng nay đều cho các đôi tàu nằm bờ, sau có đánh liều cho 1 đôi ra khơi. Sau một tuần lễ đánh bắt, tính toán chi li bị lỗ trên 20 triệu đồng”.
Ông Đông lý giải: “Trước đây trong vòng một tuần lễ, tốn kém chi phí dầu khoảng 35 triệu đồng, nay lên tới gần 50 triệu đồng. Với giá mới như hiện nay, ra khơi quả là một sự mạo hiểm bởi chi phí nhiên liệu tăng thêm từ 2-3 triệu đồng/chiếc/chuyến đi”.
Không có thu nhập, hiện HTX đang còn nợ lương công nhân trên 25 triệu đồng, nợ tiền dầu 130 triệu đồng. Những tưởng tàu thuyền nằm bờ là đã thoát nạn thua lỗ, nào ngờ kết quả càng thảm hại hơn.
“Tàu thuyền neo đậu bến lâu thì càng nhanh hỏng nặng, dễ mục nát, máy móc hoen gỉ. HTX Ngọc Châu hiện có 4 tàu thì đều đã hỏng nặng, nếu nằm bờ thêm 3-4 tháng nữa có lẽ thành đống sắt vụn, nhưng nếu ra khơi thì lấy gì mà bù khi giá dầu tăng như vũ bão? Cứ đà này, thôi nghiệp cầm quân đánh cá!” - ông Đông nói.
Được biết 1 cặp tàu đánh bắt cá xa bờ trị giá 1,7 tỷ đồng, nhưng nếu giờ bán đi cũng chỉ được chưa đầy 200 triệu đồng/đôi. Các HTX đánh bắt cá xa bờ ở Diễn Ngọc trước đây hoạt động khá ổn định, nay nhiều thành viên đã chán nản bỏ tàu mà đi. HTX Đại Lộc có 6 thành viên thì có 4 “bỏ của chạy lấy người”, chỉ còn mỗi ông kế toán và chủ nhiệm HTX chiều chiều rủ nhau mang xô, chậu ra tát nước vì sợ chìm tàu.
Ngư dân Trần Văn Toàn ở HTX Diễn Ngọc than: “Loại thuyền công suất 24 CV chạy 1 ngày/60 lít, phải chịu lỗ từ dầu 200-300 ngàn đồng/ngày, chúng tôi trụ sao nổi? Nhưng nếu không ra khơi thì cũng không biết lấy chi để sống, bởi dân làm gì có ruộng nương? Nhưng nằm bờ lâu quá thì tàu hỏng, sau này có tiếp tục ra khơi thì phải bỏ ra khoảng 15-20 triệu đồng để tu sửa”.
Bao giờ tàu lại ra khơi?
Được biết toàn huyện Diễn Châu hiện có gần 1.300 tàu, thuyền, mỗi năm khai thác trên 6.300 tấn hải sản các loại, doanh thu trên 110 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Nếu tàu, thuyền cứ cố thủ nằm bờ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân. Để tự cứu mình, một số chủ tàu vẫn ra khơi nhưng chỉ chạy ra ngư trường thăm dò chứ không “càn quét” chạy vòng vo như trước đây, nếu thấy nhiều cá thì đánh, ít thì neo tàu để tiết kiệm nhiên liệu. Kiểu đánh cá đó, ngư dân gọi vui là “du lịch biển”, nhưng dù tiết kiệm đến mấy thì vẫn lỗ nặng.
Ông Hoàng Văn Bốn - Trưởng phòng thuỷ sản huyện Diễn Châu - cho biết: Xăng dầu lên giá, trong khi giá thuỷ sản lại tăng không đáng kể, giá vật tư cho nghề biển cũng tăng theo. Tàu thuyền không ra khơi, ngư dân không có công ăn việc làm, tàu thuyền nhanh hỏng, lượng cá phục vụ cho chế biến nước mắm sẽ có nguy cơ thiếu hụt…
Ông Trần Quốc Thành - GĐ Sở Thuỷ sản Nghệ An - cho hay: Việc xăng dầu lên giá như hiện nay, tỉnh vẫn chưa có quyết định trợ giá. Trước mắt có một số giải pháp như: Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp phù hợp, đưa một số nghề mới vào hoạt động, hình thành hệ thống thông tin ngư trường, liên kết các ngư dân thành hệ thống đi theo tổ hợp… Nhưng để thực hiện được điều này không phải ngày một ngày hai mà phải mất hàng tháng.
Cũng theo ông Thành, hàng năm sản lượng đánh bắt thuỷ sản của Nghệ An đạt khoảng gần 50.000 tấn/năm, đem về cho Nhà nước khoảng trên 500 tỷ đồng; số lao động được giải quyết công ăn việc làm là trên 2 vạn người. Với việc tăng xăng dầu như hiện nay, số lao động phải nghỉ việc là tương đối lớn.
Hiện nay, mong mỏi của ngư dân là được Nhà nước trợ giá xăng dầu để tàu thuyền được tiếp tục ra khơi, ngư dân được sống với nghề biển. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời hạn trả, khoanh nợ có thời hạn, giúp ngư dân vượt qua cơn “sóng gió xăng dầu”.
Nguyễn Duy