1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khoảng cách tiền lương giữa các khu vực doanh nghiệp:

Xăng dầu, bảo hiểm, ngân hàng “top” đầu thu nhập!

(Dân trí) - Người lao động trong các ngành như than, thép, thuốc lá, rượu bia, sữa… có thu nhập bình quân gấp 4 lần ngành dệt may, da giầy, cơ khí. Các ngành xăng dầu, bảo hiểm, ngân hàng, điện lực thường có thu nhập cao hơn các ngành nghề khác.

Sự phân hoá về thu nhập của người lao động trong các khu vực và trong các ngành tuỳ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, vào lợi thế độc quyền… đang làm cho chênh lệch mức sống ngày càng cao, trong khi quyền lợi người lao động không được bảo đảm.

Rượu bia, thuốc lá gấp 4 dệt may!

Theo dự thảo báo cáo chuyên đề "về chính sách tiền lương - công đoàn với việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương" của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường cao hơn DNNN địa phương và DN ngoài quốc doanh.

Người lao động trong DNNN trung ương hoặc các đơn vị đặc thù có lợi thế như xăng dầu, bảo hiểm, ngân hàng, điện lực thường có thu nhập cao hơn các ngành nghề khác.

Chẳng hạn như thu nhập bình quân trong các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương năm 2007 là 3,2 triệu đồng/tháng, trong khi các đơn vị thuộc ngành địa phương là 1,05 triệu đồng/tháng.

Giữa các ngành cũng có thu nhập khác nhau. Những ngành như than, thép, hoá chất, xăng dầu, thuốc lá, rượu bia nước giải khát, sữa, nhựa… có thu nhập bình quân từ 4 - 5,4 triệu đồng/tháng. Trong khi các ngành dệt may, da giầy, cơ khí thu nhập bình quân 800 - 1,2 triệu đồng/tháng.

Tại các nông lâm trường, đơn vị xây dựng cơ bản, vùng sâu, vùng xa do thiếu việc nên mức thu nhập rất thấp. Một số công ty chè tại Tuyên Quang có thu nhập bình quân chỉ 550.000 đồng/tháng/người. Thậm chí, tại Lạng Sơn có một số DN thuộc nông lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn thực hiện mức lương tối thiểu 290.000 đồng/tháng đối với người lao động.

Đối với khu vực DN ngoài quốc doanh, tiền lương công nhân trong các DN tư nhân, công ty TNHH thường thấp hơn so với mức chi tiêu tối thiểu để đảm bảo cuộc sống, nhất là đối với người lao động ngoại tỉnh phải thuê nhà ở.

Ở khu vực DN FDI, thu nhập của người lao động có thể cao hơn những khu vực khác nhưng ở đây có sự chênh lệch lớn giữa người lao động gián tiếp và lao động trực tiếp.

Lao động làm quản lý, lao động gián tiếp thường có mức lương cao hơn lao động trực tiếp nên khi tính thu nhập bình quân sẽ cao lên song không phản ánh đúng thu nhập của công nhân.

Thu nhập của cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính, nhìn chung còn thấp cho dù có ổn định và tăng dần theo mức lương tối thiểu chung. Mức lương tối thiểu thấp, trong khi giá cả tăng nhanh, nhiều khoản đóng góp cùng với cơ cấu tiêu dùng ngày càng cao khiến đời sống của người làm công ăn lương rất khó khăn.

Doanh nghiệp FDI: Mỗi bậc lương chênh nhau… 10.000 đồng

Ở khu vực DN ngoài nhà nước, tình trạng người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động vẫn xảy ra như: không ký kết hoặc ký kết không đúng loại hợp đồng lao động, không thực hiện việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chưa thực hiện tốt thời giờ nghỉ ngơi, trả lương làm thêm giờ, tình trạng nợ lương, chậm trả lương vẫn diễn ra…

Tại khu vực DN FDI, người lao động trực tiếp làm việc với cường độ cao không được bảo đảm quyền lợi khi các chế độ bảo hiểm, tiền lương, tiền thưởng, trả lương làm thêm giờ không được tính đầy đủ và kịp thời.

Hiện nay, trong các DN FDI, nhất là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ đa số DN chỉ trả lương cho người lao động mức lương cao hơn mức lương tối thiểu một ít, vì vậy thu nhập của người lao động phụ thuộc nhiều vào tiền làm thêm giờ, phụ cấp, trợ cấp…

Vấn đề xây dựng thang bảng lương cũng là điều cần nói đối với khu vực DN này. Tại một số DN có xây dựng thang bảng lương, nhưng lại xây dựng 30 - 40 bậc và khoảng cách giữa 2 bậc liền kề chỉ chênh lệch từ 10 - 15.000 đồng.

Do thu nhập thấp, hàng năm không được nâng lương cộng thêm một số vi phạm của người sử dụng lao động như: không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, không trả lương làm thêm giờ, phụ cấp độc hại… đã dẫn tới tranh chấp lao động, đình công ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, DN thường tuyển công nhân theo thời vụ hoặc từng công việc cụ thể để không phải giải quyết các chế độ cho người lao động làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động khi bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, về hưu…

Lan Hương