Xã “ốc đảo” giữa lòng Hà Nội

(Dân trí) - Nằm trong bán kính 15 km tính từ trung tâm Hà Nội nhưng xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) lại như một “ốc đảo”. Mảnh đất “giang cùng điền tận” này cả ba mặt bị “phong tỏa” bởi sông Nhuệ. Mọi khốn khó cũng từ đây mà ra.

Đò đu dây qua sông Nhuệ

 

Muốn vào nội thành Hà Nội, người dân Mỹ Hưng chỉ có 2 cách. Một là phải đi vòng gần 30 km qua trung tâm huyện và hai là phải vượt sông Nhuệ qua một bến đò duy nhất nằm ở địa phận thôn Đan Thầm. Con đò cũ kỹ, kéo bằng… dây ấy mỗi ngày chuyên chở hàng ngàn lượt người qua lại, trong đó có rất nhiều em nhỏ.
 
Xã “ốc đảo” giữa lòng Hà Nội - 1

Hàng ngày có hàng nghìn lượt các em học sinh và người dân quanh xã Mỹ Hưng phải liều mình trên những con đò mong manh như thế này

 

Nước sông Nhuệ quanh năm đen ngòm, ô nhiễm nặng, 2 bên bờ sông nhiều bụi cây bị cháy xém, mùi hôi thối của nước sông bốc lên nồng nặc đến ngẹt thở.

 

Ông lái đò tên Huấn thoăn thoắt đu mình vào 2 vạt dây căng sẵn qua sông. Sau một hồi vật vã cùng dòng nước ô nhiễm, cuối cùng con đò nhỏ thô sơ cũng đưa chúng tôi cập bến an toàn.

 

Ông Huấn cho biết, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người dân ở Mỹ Hưng và các xã lân cận đi qua bến đò này. Đò nhỏ, khách đi đò đông, nước sông chảy xiết và luôn ô nhiễm nặng nên việc dùng mái chèo không thuận lợi: chèo tay vừa yếu, vừa làm bắn nước bẩn lên. Vả lại, dùng đò kéo dây, nếu không may đò đầy, có xảy ra chuyện gì thì khách đi đò còn… có sợi dây mà bấu víu.

 

Thế nhưng đã không ít lần dây đứt, con đò trôi đi băng băng trong dòng nước xiết. Những vụ tai nạn đáng tiếc không phải chưa từng xảy ra.

 

Trưởng thôn Đan Thầm Đoàn Viết Lăng cho biết, người dân thôn Đan Thầm (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) và thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) từ bao đời nay làm ăn sinh sống 2 bên bờ sông Nhuệ. Hàng ngày có tới cả nghìn lượt người dân và các em nhỏ qua lại hai bên bờ sông bằng con đò hết sức thô sơ với đoạn dây kéo vắt ngang rất nguy hiểm. Chỉ cần một đầu dây bị tuột là có thể cả chuyến đò lâm nạn. Nhất là vào mùa mưa bão, mạng sống của những khách đi đò luôn bị hà bá rình rập.

 

Trưởng thôn Lăng tâm sự: “Cách đây ít năm, một nhóm các em học sinh qua sông đã bị trôi đò. May mà điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Còn trường hợp ngã xuống sông Nhuệ thì nhiều lắm anh ạ. Tuy không chết đuối nhưng uống phải nước cống rãnh sông Nhuệ về rồi cũng sinh bệnh”. 

 

Theo ông Lăng, do giao thông không thuận tiện, các hoạt động giao thương buôn bán của xã Mỹ Hưng với các địa phương bên ngoài bị hạn chế rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như sự phát triển kinh tế vùng. Chỉ cách có một con sông nhỏ nhưng giá cả các mặt hàng thực phẩm bên bờ phía Đan Thầm bao giờ cũng thấp hơn vài giá. Khách hàng không muốn đi đò sang, người bán cũng không muốn mang hàng sang, chẳng biết có bán được không, không bõ trả tiền đò.

 

Cây cầu là khát vọng ngàn đời

 

Ông Lăng cho biết, sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, cả xã Mỹ Hưng mênh mông nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bì bõm về kiểm tra tình hình bão lũ. Khi đó, vị đứng đầu UBND TP Hà Nội đã chia sẻ những khốn khó mà người dân ở xã nghèo nhất Thủ đô đang phải chịu đựng.
 
Xã “ốc đảo” giữa lòng Hà Nội - 2

Nếu từ trung tâm xã Mỹ Hưng đi ra nội thành Hà Nội qua bến đò thôn Đan Thầm, con đường sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
 

Sau chuyến thăm của Chủ tịch TP, bộ mặt giao thông của xã Mỹ Hưng có thay đổi chút ít. Cụ thể là con đường bê tông được đổ chạy vòng quanh các thôn, tạo thành bờ lũy ngăn nước sông Nhuệ dâng lên trong mùa mưa lũ. Nhưng điểm mấu chốt là một cây cầu thì vẫn chưa giải quyết được.

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đào Xuân Phái, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, cho biết, xã có tất cả 5 thôn với 1.450 hộ, 6,5 nghìn nhân khẩu; trong đó có hơn 300 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 19%. Người dân xã Mỹ Hưng đi ra Hà Nội có 2 con đường; một là đi qua con đò đầu thôn Đan Thầm chỉ mất chưa đầy chục cây số. Hai là đi đường bộ, phải xuống tận cuối huyện Thanh Oai rồi vòng ngược lên quận Hà Đông vào nội thành Hà Nội (đi kiểu hình lưỡi mác), quãng đường bị kéo dài gấp đôi. Vì thế người dân xã Mỹ Hưng dù biết nguy hiểm vẫn chọn cách đi đò là chính.

 

Theo ông Phái, việc xây dựng cây cầu dân sinh qua sông Nhuệ ở địa bàn thôn Đan Thầm là cần thiết và đang ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, Mỹ Hưng là xã nghèo, kinh tế rất hạn hẹp nên nằm ngoài khả năng ngân sách của xã. Từ nhiều năm, trong rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND xã Mỹ Hưng và bà con nhân dân đã kiến nghị lên UBND huyện đề nghị nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

 

Ông Phái nhận định, cầu được xây dựng sớm ngày nào thì “nút thắt” về phát triển kinh tế của người dân nơi đây được tháo gỡ sớm ngày đó; cái đói, cái nghèo sẽ dần được đẩy lùi. Đặc biệt tính mạng của hàng nghìn người dân không bị đe dọa mỗi khi qua đò.

 

Chỉ cần một cây cầu nhỏ để phá thế cô lập của một xã nghèo giữa Thủ đô. Trong bức thư gửi báo Dân trí, trưởng thôn Đan Thầm Đoàn Viết Lăng viết: “Cây cầu là niềm mơ ước ngàn đời của người dân Đan Thầm bởi nó sẽ góp phần thay đổi diện mạo mảnh đất này, vĩnh viễn xóa đi sự cô lập của một ốc đảo. Nhưng lực bất tòng tâm, chúng thôi rất mong được sự hỗ trợ để người dân vơi bớt những khó khăn, vất vả và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh”.

 

Bùi Hoàng Tám - Hồng Ngân