1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vượt rừng đào măng

(Dân trí) - Trời mưa mấy tuần liền khiến cả nhà không có một xu để ra chợ. “Nắng ráo lên rồi, vào rừng thôi!”, chị Huơng giục đứa con trai.

Cậu trai 14 tuổi dáng vẻ khắc khổ, khuôn mặt buồn thiu, lẳng lặng ra xách giỏ, gọi mấy đứa bạn “đồng nghiệp” cùng rủ nhau vào rừng bắt đầu chuyến đi mưu sinh mới: Đào măng!

 

Lên rừng

 

Đó là một vùng quê nghèo miền núi  huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Từ cách đây mấy chục năm, tất cả đều đang là rừng núi thâm u, không một bóng người thì nay những ngôi làng mới được mọc lên nằm rải rác khắp dưới các chân núi. Người dân ở đây mấy chục năm rồi sống bám vào rừng, dựa lưng vào rừng để tồn tại thì nay, rừng cũng thưa dần. Giờ đây, bảo "đi rừng" ai cũng hiểu  là “đi lấy măng”.

 

Sau nửa tháng mưa liên tục, những ngọn núi nằm ở xóm Điện Lực như hồi sinh, màu xanh thâm huyền bí hiện ra trước mắt hai ba đứa trẻ “thợ măng nhí”, có mặt cùng đi là một người phụ nữ lớn tuổi, để “dìu dắt mấy đứa nhỏ làm nghề”. Đường vào rừng mùa mưa cũng trở nên khó đi hơn bao giờ hết, tôi và 3 đứa trẻ cùng phải gùi đồ, dắt xe đạp gần mười mấy cây số mới tới được “động măng” - cái tên người đi lấy măng đặt tên cho những ngọn núi ở Điện Lực.

 

"Chuẩn bị tinh thần mà “bán máu” anh nhé!”, cậu bé tên Trung có khuôn mặt đen thâm cười doạ tôi. Với người đi rừng, nỗi ám ảnh lớn nhất là sên vắt, vào những ngày nắng sên treo hai bên cành nứa thấy đã rợn, chuyến đi của chúng tôi lại vào dịp sau mưa nên sên vắt sẽ là điều phải chuẩn bị từ trước. “Trời mà nắng ráo thì sên vắt đỡ hơn, sau mưa như thế này có mà mang bì đi mà đựng”, Trung cười ranh mãnh.

 

Con núi đã nằm sát dưới chân đội "thợ măng". Đoàn thợ măng, tất cả đều là lũ trẻ mới chớm 13-14 tuổi dường như cũng chuẩn bị hết tinh thần cho một chuyến lên rừng vất vả nên khuôn mặt đứa nào đứa nấy bình thản, không cảm xúc.

 

Hành trang cho một chuyến lên rừng lấy măng bao gồm liềm dài lưỡi dùng để cắt ngọn măng, cây gỗ dài có một đầu làm “nguẫu” để hái những ngọn măng ú nằm ở trên cao, một chiếc bì gùi sau lưng để đựng số măng hái được; một ít vôi bột dùng để xoa lên tay chân tránh sên vắt, đồ áo phủ kín người để tránh muỗi. Và một thứ không thể thiếu mà mỗi chuyến đi lên rừng, thợ măng phải thủ kĩ trong mình, đó là một con dao nhọn phòng thân khi có thú rừng.

 

Những đỉnh núi thâm u ma quái bao bọc lấy thung lũng, bóng dáng những đứa trẻ lầm lũi chia nhau leo lên các ngả để lấy măng. “Có chuyện gì thì hú nhé” - chúng bảo nhau. Có vẻ như chị Hồng, người chị cả của đoàn giờ cũng không còn vai trò “lãnh đạo” nữa; chị cũng cắp bị men theo một ngọn núi đi lên.

 

Rừng núi thâm u náo động, chim thú hú gọi nhau chào nắng sớm, thỉnh thoảng giữa vài cụm cây lại rung lên dữ dội “heo rừng đấy, chúng nó đang húc nhau; ở đây chỉ có heo rừng giờ là còn nhiều thôi, trước đây thú cùng nhiều nhưng giờ hiếm lắm” - Trung nói mà giọng tỉnh bơ, như chẳng hề có mối nguy hiểm nào đến với một thợ măng như nó. Tôi chợt rùng mình...

 

Sau cơn mưa, rừng núi đẹp đến lạ lùng, những đứa trẻ đã lên núi đi lấy măng, lọt tỏm giữa khe núi, thỉnh thoảng gùi lưng lại lộ ra giữa những đám cây cối um tùm. Tôi theo Trung leo lên khối núi cao nhất, đưa mắt trông trọn núi rừng, và dường như, nỗi mệt nhọc, lam lũ khiến cho đứa trẻ nào cũng chỉ canh cánh nỗi lo bên mình. Đó là làm sao một ngày lên rừng, hái cho được vài chục ký măng tươi, chiều xuống núi lành lặn trở về nhà, tối mấy mẹ con lại cằm cục luộc măng làm hàng, sáng mai ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. “Tháng này là tháng 4 rồi, bắt đầu mùa mưa dông - cũng là mùa măng mọc nhiều, chúng em phải tranh thủ, chịu khó đi lấy măng về cho mẹ bán kiếm tiền, ở nhà không có cái gì bán có tiền cả anh ạ” - Trung thật thà.

 

Rừng mênh mông, những cây măng mọc quá khổ đâm đọt nhọn vuốt dựng lên giữa những tầng dây leo như bãi chông khiến khung cảnh đẹp lạ thường, dưới đó, lũ trẻ cực nhọc gùi lưng hái măng kiếm sống.

 

"Tai nạn" giữa rừng!

 

Dãy núi mênh mông, thâm tối nhưng chỉ có hai thứ cây là nhiều nhất: măng nứa và dây leo. Dưới tán rừng, thảm lá cây xếp thành lớp, những đọt măng mập ú mọng nước đâm nhọn hoắt lên dưới đám mùn khô, nhưng phải thật tinh mắt mới thấy được bởi màu cây măng mới mọc cũng giống như màu của lá rừng.

 

Trung bấm từng gót chân trơn trượt, len lỏi một cách thành thạo chui vào dưới tán cây thoăn thoắt lia liềm thọc sâu xuống đất và lôi lên những búp măng to bụ bẫm. “Mới mưa, măng nứa và măng giang vừa mập lại vừa nhiều, chuyến này đi rừng chắc là được nhiều lắm”. Trung bảo rằng, măng được hái sẽ đem về nhà, tối cả nhà sẽ ngồi lóc vỏ ra, cắt đôi rồi luộc lên, mai mới ra chợ bán được; măng giang bán là có giá nhất, trước đây mỗi ký được 3.000 nhưng giờ cũng ít dần nên nhiều hôm bán được cao giá, 5.000 một ký măng.

 

Bóng dáng thằng bé đang lầm lũi, bỗng dưng nó bật đứng lên, phía bên kia núi, hình như tiếng thằng Hùng, nó chợt thấy bất an, cố lắng nghe lại một lần nữa. “Hú ú uuu”; đây là “biệt hiệu” mà trước lúc lên núi, chúng đã giao ước với nhau, báo hiệu có người gặp nguy hiểm. Trung vội thả cả mớ măng xuống đất, vụt lao về hướng có tiếng hú….

 

Mấy đứa cùng đi như cũng nghe được tiếng gọi của bạn nên cũng đổ nhau lao lên núi. Tới nơi, cả đám thở phào khi biết đó chỉ là trò đùa của một cậu bé tên Thanh.

 

Trung kể, người đi rừng sợ nhất 3 thứ: vắt đỉa, bẫy thú và “lợn ri”. “Vắt sên thì mặc đồ cho kín, mang giày và tất vào thì cũng tránh được nhưng sợ nhất vẫn là heo rừng anh à”. Nó bắt đầu kể những câu chuyện chỉ nghe thôi cũng dựng tóc gáy.

 

Theo lời Trung, đã đi rừng mà gặp “lợn ri” thì tránh kiểu gì cũng không thoát. Nhiều người ở làng đã bị “lợn ri” húc gần chết, giờ chẳng dám lên rừng nữa. Những câu chuyện ấy, với bọn trẻ chỉ để dắt lưng vậy thôi. Chúng vẫn phải lên rừng.

 

Bỏ học đi đào măng!

 

Rừng cách xa nhà gần 18 cây số, phải lặn lội đường trơn, kênh cả xe đạp mới tới rừng măng được; thế nên một chuyến lên rừng như thế những đứa trẻ này phải cơm đùm cơm gói ở lại giữa rừng để nghỉ qua giữa trưa, chiều tà mới xuống núi kịp. “Đi cả ngày mới được vài chục ký măng anh ạ, đường xa, nghỉ trưa ở rừng là chuyện thường, chiều 4-5 giờ tụi em mới gọi nhau xuống núi”.

 

Bữa cơm của mấy đứa trẻ được gói đùm trong lá dong tươi, chỉ có một vắt cơm và mấy quả cà muối, nhưng chúng ăn ngon lành và cười giòn tan giữa rừng núi.

 

Vất vả, cực nhọc nhưng đối với những thợ măng nhí thì "đi lấy măng vui hơn đi học"; vì hoàn cảnh, vì cuộc sống, con chữ, mái trường đã sớm chia tay với những đứa trẻ thôn quê nghèo vùng sơn cước. "Em học đến lớp 7 là nghỉ, không học nữa, ở nhà vào rừng đi đào măng kiếm tiền giúp cha mẹ", Tùng tâm sự. Ba mẹ Tùng suốt đời sống bám vào rừng, nay rừng không còn nữa, những dãy núi cao chót vót cũng được người ta giao cho dân địa phương quản lý. Bây giờ lên rừng chỉ để đào măng.

 

"Học bây giờ khó lắm anh ạ, có học đến lớp 9 thì thi cũng không lên được cấp 3, chỗ em toàn thế cả nên nhiều bạn bỏ học từ lớp 6, lớp 7 để vào rừng thôi", Tùng lý giải.

 

Chiều tà, mặt trời xiêu vẹo khuất sau dãy núi, những đứa trẻ lầm lũi gò lưng chở măng về nhà. Một túi mầm măng nặng trĩu, một giấc ngủ say tròn... Hạnh phúc đối với chúng chỉ có thế! Mặt trời khuất dạng, phủ mờ mịt tương lai lũ trẻ...

 

Thái Bá Dũng