1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An

Vượt núi vào bản làm chứng minh thư cho “tộc người ngủ ngồi”

(Dân trí) - Nhìn cụ già người Đan Lai 70 tuổi không giấu nổi xúc động khi lần đầu tiên trong đời được cầm tấm CMTND, nói như reo: “Có tấm giấy này ta làm được sổ đỏ rồi phải không các cháu cán bộ?”, bao nhiêu mệt mỏi, gian khổ vượt rừng như tan biến hết.

Vượt núi vào bản làm chứng minh thư cho “tộc người ngủ ngồi”
Cán bộ chiến sĩ Đội cảnh sát quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông làm thủ thục cấp CMTND cho người dân Đan Lai tại bản Cò Phạt.

Theo số liệu của Đội cảnh sát quản lý hành chính, Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) cung cấp, người Đan Lai hiện có khoảng chừng 3.500 nhân khẩu, sống tập trung tại 3 xã thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Hàng trăm năm trước, người dân Đan Lai trong cuộc chạy trốn “lời nguyền” thảm sát cả dòng họ nếu không tìm thấy 100 cây nứa bằng vàng, một con thuyền liền mái đã dừng chân tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An). Nỗi sợ hãi ăn sâu vào tiềm thức, lớn đến nỗi giấc ngủ của người Đan Lai cũng không tròn, họ không dám đặt lưng xuống phản mà phải luôn trong tư thế ngủ ngồi để sẵn sàng chạy vào rừng sâu nếu kẻ thù truy đuổi. Ngày nay, người Đan Lai không còn phải trốn chạy nữa, họ cũng đã có thể ngay lưng trên những tấm gỗ, tấm phản hay đơn giản chỉ là cái liếp nứa để ngủ nhưng người ta vẫn gọi nhóm người dân tộc thiểu số này là tộc người ngủ ngồi.

Nếu như ngày xưa rừng sâu núi hiểm là nơi giúp họ lẩn trốn khỏi sự ác bá của bạo chúa miền Quân Hoa thì nay, chính nó lại là những cản trở đối với người Đan Lai trong việc tiếp cận nền văn minh của loài người. Đời này qua đời khác, người Đan Lai sống dựa vào cỏ cây, muông thú, dựa vào đàn cá mát trên dòng sông Giăng. Cuộc sống quanh quẩn trong nghèo đói, trong hủ tục và tập quán hôn nhân cận huyết. Trong số 3.500 nhân khẩu, có đến 2.000 người trong độ tuổi cấp giấy chứng minh thư nhân dân. Tuy nhiên do thực tế lịch sử, điều kiện tập quán sinh sống và nhận thức còn hạn chế, phần lớn người dân Đan Lai không quan tâm đến việc làm CMTND. Bởi vậy việc quản lý nhân khẩu hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các công tác quản lý hành chính khác gặp rất nhiều khó khăn.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con đồng bào Đan Lai trong việc thực hiện các giao dịch về thủ tục hành chính, Công an huyện Con Cuông đã cử Tổ công tác cấp đổi Chứng minh nhân dân (Đội Cảnh sát quản lý hành chính) vào tận nơi để giúp bà con làm CMTND. Trung úy Nguyễn Quốc Văn (Đội quản lý hành chính) cho biết: “Từ trung tâm huyện vào trung tâm xã Môn Sơn tầm 20km, đường tương đối dễ đi. Nhưng từ trung tâm xã đến bản Bủng và bản Cò Phạt cũng từng ấy đường nhưng cũng phải mất nửa ngày đường có khi là cả ngày mới tới nơi”.

Đường vào bản Cò Phạt hoặc đi trèo đèo, hoặc đi xuồng men theo Khe Khặng. 20km đường sông, vị chi mất 1 triệu đồng, cả đi lẫn về mất đứt 2 triệu trong khi kinh phí không có. Vậy là tăng bo lên xe máy, mỗi tổ 3 người, 2 xe máy, chất lương thực, máy ảnh, giấy tờ, tư trang lên xe, nhằm đường rừng mà vào. Từ bản Cò Phạt vào bản Bủng còn mất 7km đường rừng nữa. Mùa khô còn đỡ, trúng ngày mưa thì khổ không nói hết.

Lấy dấu vân tay phục vụ công tác làm giấy CMTND cho người dân Đan Lai.
Lấy dấu vân tay phục vụ công tác làm giấy CMTND cho người dân Đan Lai.

“Đợt vừa rồi (giữa tháng 9/2014 – PV), ba anh em lại lên đường vào vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Trời mưa, đường trơn như đổ mỡ, con dốc cao tầm 700m nhưng xe máy về số 1 vẫn không thể leo dốc. 3 anh em cởi giày treo vào cổ, vác đồ đoàn lên vai rồi hợp sức đẩy từng chiếc xe lên. Cứ mỗi xe phải mất 1 tiếng mới qua được dốc, mất 2 tiếng anh em mới có thể tiếp tục lên đường, người lấm lem bùn đất, thở ra đằng lỗ tai luôn”, thượng úy Ngân Văn Vinh – thành viên tổ công tác cấp đổi CMTND, cho biết.

Đồng bào đi rẫy, nếu vào làm chứng minh thư, phải thông báo về xã trước cả tuần rồi xã thông báo về từng bản để bà con ở nhà. Thế nhưng có hôm vào đến nơi, ngồi cả ngày cũng chỉ có 1-2 người đến làm vì bà con đang ở trên rẫy. Thế là lại phải đợi đến ngày hôm sau. Ở trong này sóng điện thoại chưa có, bởi vậy đã hẹn vào với dân là phải vào chứ không có cách nào để hoãn lại.

“Bà con ở trong vùng sâu, gần như là tự cung tự cấp, chẳng mấy khi mua bán hay chuyển nhượng gì nên các thủ tục hành chính cũng chẳng quan tâm. Đến khi chính quyền thông báo phải có chứng minh thư thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mới có thể làm thủ tục vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, lúc bà con mới đi làm chứng minh thư. Thế mới có chuyện, một cụ già người Đan Lai đến khi 70 tuổi mới lần đầu tiên được cầm tấm giấy ghi tên tuổi của mình”, trung úy Văn kể tiếp.

Khó khăn, vất vả của người chiến sỹ công an làm công tác quản lý hành chính như được “hóa giải” bởi tình cảm người dân Đan Lai dành cho họ. Chị Đinh Thị Ngại (bản Cò Phạt, Môn Sơn, Con Cuông) chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống của bà con ta tốt hơn trước, trẻ con được ra trung tâm để đi học. Giờ lại được cán bộ vào tận nơi làm chứng minh thư nhân dân cho, sắp tới được cấp cả sổ đỏ nữa, vui lắm. Các chú công an vào tận nơi thế này, bà con ta khỏi phải mất công ra huyện nên có thông báo là nghỉ làm rẫy để về làm chứng minh thư ngay đấy”.

Tấm lòng của bà con Đan Lai còn nhớ lâu lắm. Làm xong chứng minh thư, các ông, các mẹ cứ nhất quyết “mời các cháu công an vào nhà ta uống bữa rượu mừng”. Đến năm sau, khi quay lại để làm chứng minh thư cho những người đến độ tuổi, dân bản vẫn nhớ lời hứa năm ngoái, vẫn trách “Cháu công an không giữ lời hứa nhé, vẫn chưa đến nhà ta uống bữa rượu, ăn bữa cơm để ta còn gả con gái đẹp nhất bản cho”. Chính những tình cảm tốt đẹp của đồng bào là nguồn động viên lớn để các anh vượt núi, trèo đèo vào tận nơi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chỉ trong vòng 3 ngày, tổ cấp đổi chứng minh thư nhân dân Công an huyện Con Cuông đã làm được 135 chứng minh thư nhân dân cho bản Cò Phạt, 95 CMTND cho người dân bản Bủng (bao gồm cả cấp mới, cấp đổi, cấp lại). Tháng 11 tới đây, những người lính quản lý hành chính lại tiếp tục lên đường, thực hiện đợt “cấp vét” CMTND cho người Đan Lai trong độ tuổi. Cứ đều đặn mỗi năm hai lần, họ lại trèo đèo vào với vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát để người Đan Lai được đảm bảo các quyền lợi cơ bản nhất về nhân thân.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm