Vướng mắc hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành
(Dân trí) - Theo Bộ Nội vụ, đến nay mới có 6 bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ vừa gửi tới Bộ Tư pháp, quy định về vị trí việc tại Nghị định 62/2020 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên đến nay mới có 6 bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành: Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên cơ sở thông tư hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương đang chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc phạm vi quản lý xây dựng đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm để trình người đứng đầu bộ, ngành địa phương phê duyệt.
Kết quả, đã có 4 bộ, ngành Trung ương, 25 địa phương phê duyệt Đề án vị trí việc làm và 4 bộ, địa phương phê duyệt Đề án vị trí việc làm tạm thời.
Còn lại các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện theo Đề án vị trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và đang rà soát, hoàn thiện để phê duyệt Đề án vị trí việc làm sau khi có văn bản hướng dẫn.
Bộ Nội vụ đánh giá, việc chậm trễ đó dẫn đến các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hành chính trực thuộc xây dựng Đề án vị trí việc làm, điều chỉnh vị trí việc làm.
Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, Nghị định 106/2020 của Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý để bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Thế nhưng mới chỉ có Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện để ban hành thông tư quy định định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Các bộ, ngành còn lại chưa ban hành thông tư hướng dẫn.
"Việc các bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý từ trung ương đến địa phương gây khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc xác định định mức để xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm, tổ chức thẩm định kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm", Bộ Nội vụ đánh giá.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Bộ Nội vụ khẳng định hướng dẫn về định mức biên chế là nhiệm vụ Chính phủ đã giao cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Nghị định 62/2020 và Nghị định 106/2020.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương không đặt ra vấn đề hướng dẫn định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính. Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị quy định biên chế công chức giai đoạn 2022-2026 giảm 5%.
Thực tế trong quá trình triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn, nhiều bộ ngành đã có ý kiến việc đưa ra tiêu chí, yêu cầu để xác định định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính gặp khó khăn.
Việc xác định định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập phải trên cơ sở vị trí việc làm, mà thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm chưa được ban hành (!).
Để xây dựng định mức số lượng người làm việc cần có thêm thời gian để nghiên cứu, rà soát, phân tích một cách tổng thể, khách quan mới đưa ra tiêu chí cụ thể, thống nhất trong cả nước. Việc này cũng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, điều kiện, tình hình thực tế của từng vùng miền, từng cơ quan, đơn vị.
"Do vậy đã dẫn đến chậm thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao", Bộ Nội vụ đánh giá và nhấn mạnh việc sớm sửa đổi Nghị định 62/2020 và Nghị định 106/2020 nhằm thể chế hóa các quy định của Đảng về quản lý biên chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 04/NQ-CP là hết sức cần thiết.