Vườn rau nghĩa tình giúp bà con TPHCM mùa dịch của mẹ đảm ở Lâm Đồng
(Dân trí) - Sau gần một năm cải tạo và chăm sóc, thành quả chị Ngọc Trâm nhận được là một khu vườn sai trĩu cây trái, ngập rau xanh. Vườn rau của chị còn góp phần giúp đỡ người dân Sài Gòn trong mùa dịch.
Về quê trồng rau
Tìm đến vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng) vào tháng 10/2020 với mục đích tránh dịch, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1982, Thủ Đức, TP HCM) quyết định tìm mua một căn nhà để nghỉ ngơi và kinh doanh.
Vốn yêu thích trồng vườn, có niềm đam mê đặc biệt với các giống cây mới lạ, độc đáo, mẹ đảm tiếp tục "tậu" cho mình một mảnh đất có diện tích gần 2000m2. Lên ý tưởng cải tạo đất thành vườn, chị Ngọc Trâm phải trải qua quá trình gian nan, vất vả. Không chỉ bắt đầu làm vườn nơi "đất khách quê người", chị còn gặp nhiều vấn đề về khí hậu và nguồn nước.
Để có đất trồng rau, chị Trâm sử dụng máy xúc để xới toàn bộ phần đất đồi và tạo độ phẳng nhất định trên phần đỉnh. Sau đó, rải từng lớp phân, trấu, xơ dừa để cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi cây. Thay vì trồng các loại cây ăn quả, gia đình chị Trâm lựa chọn trồng rau, củ để lấy nguồn nông sản sạch.
Trong 2 tháng đầu tiên, chị Trâm không có nước tưới, buộc phải gánh từ nhà hàng xóm về tưới cho rau. Do thời tiết tại Bảo Lộc khắc nghiệt, mưa dầm, nắng hạn, nhiều sâu bệnh nên chị Trâm mất khá nhiều thời gian để học hỏi và làm quen với điều kiện tại đây.
Với mong muốn sở hữu một khu vườn đẹp và thử trồng được nhiều giống cây nên ngoài các loại rau thông thường, nữ gia chủ còn trồng các loại rau lạ khác như: cải cầu vồng, kale, cây cỏ ngọt (độ ngọt gấp 300 lần đường mía), cải mù tạt…
Vì lần đầu làm vườn còn nhiều bỡ ngỡ, nên chị Ngọc Trâm luôn chủ động tìm kiếm, thử trồng nhiều loại giống để nâng cao tay nghề. Tại vườn, không chỉ có các giống rau trong nước, mẹ đảm còn chọn lựa giống từ: Mỹ, Nhật, Italia…
Sau mỗi mùa rau, chị Trâm thường xuyên cải tạo lại phần đất trồng bằng cách xới đất, đồng thời đổ một lớp vôi mỏng và tưới nước. Cách làm này giúp vệ sinh cho đất, bổ sung canxi cho cây, sau đó để đất nghỉ từ 1-2 ngày rồi gieo tiếp vụ mới. Với những nỗ lực của bản thân, sự đồng hành của chồng và 3 cô con gái, chị Trâm đã thỏa mãn được niềm yêu thích làm vườn của mình.
Tặng rau cho gia đình và người dân Sài Gòn
Trước đây, chị Ngọc Trâm sở hữu một tạp hóa kinh doanh nhỏ, công việc này khiến chị cảm thấy gò bó, ngột ngạt. Lựa chọn về trồng rau tại Bảo Lộc giúp chị thay đổi, trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn.
Sau gần một năm trồng trọt, thành quả chị có được là khu vườn rộng ngập rau, củ sạch. Chị chia sẻ: "Cứ cách một ngày, tôi lại gửi nông sản về Sài Gòn cho gia đình, bạn bè, người dân vùng dịch".
Ở thời điểm hiện tại, chị Ngọc Trâm còn đi chợ mua giúp người dân Sài Gòn các thực phẩm như: ổ bánh mì, rau củ hay cây bút, vở rồi tất bật đóng hàng để chuyển đi. Thậm chí, chị Trâm còn chia sẻ cả hạt giống trồng rau.
"Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải siêng năng và yêu cây. Mình cần trồng nhiều rau, để thu hoạch rồi gửi tặng người dân Sài Gòn", chị cho hay.
Hàng ngày, chị Trâm thức dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ mua đồ, rồi trở về vườn chăm sóc và thu hoạch rau, củ để kịp đóng hàng, chở ra bến xe rồi gửi đi Sài Gòn.
Nhận được tin nhắn, cuộc gọi cảm ơn từ người thân, những người lạ chưa từng gặp khiến chị Trâm càng cảm nhận rõ ý nghĩa việc làm của mình. Khu vườn không chỉ là món quà dành cho chị Trâm và gia đình, mà còn tạo điều kiện cho chị chia sẻ với mọi người trong khó khăn.