1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Vùng trồng cao su mà cứ dạy nuôi công, nuôi phượng!

(Dân trí) - “Tại Lai Châu, cơ cấu sản xuất nông nghiệp là cao su, chè, lúa; nhưng người dân lại được dạy nghề nuôi công, nuôi phượng, nuôi trĩ… Thế nên vụ thu hoạch cao su vừa qua, người dân phải nhờ chuyên gia nước ngoài sang đào tạo kỹ năng thu hoạch”.

Tại Hội Nghị đào tạo nghề cho Lao động Nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 7/5, báo cáo sơ kết được đưa ra: Trong giai đoạn 2010-2013, đã có gần 663.000 lao động (LĐ) nông nghiệp được đào tạo nghề, đạt trên 50% mục tiêu của Đề án. Đại diện Bộ NN&PTNN khẳng định, nhận thức của người dân về học nghề đã có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT và thực tế kiểm tra ở một số tỉnh đại diện các vùng trên cả nước, số LĐ học nghề nông nghiệp ở các tỉnh đều tăng. Nội dung chương trình đào tạo cụ thể, thiết thực với nhu cầu của người dân. Đặc biệt, phương pháp đào tạo gắn với mô hình được áp dụng trong suốt quá trình học. Theo đó, trong số gần 189.000 LĐ nông thôn đã học xong, có hơn 166.000 người (chiếm 88,2%) đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất và thu nhập cao. 

Đưa ra kiến về báo cáo sơ kết, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng: Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho LĐ nông thôn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giúp người nông dân dần xóa bỏ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai với một nguồn lực về tài chính cũng như nhân lực không nhỏ, kết quả thu được vẫn chỉ là con số mang tính… hình thức.

Nhiều địa phương phản ánh Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang thiếu tính thực tế.

Nhiều địa phương phản ánh Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang thiếu tính thực tế.

Nói về những bất cập trong quá trình triển khai Quyết định 1956, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Lê Trọng Quảng thẳng thắn: Hiện 30% số LĐ ở Lai Châu đã được tập huấn và đào tạo nghề song số LĐ sống được từ nghề đã học khá ít. “Việc đào tạo hiện nay chưa thực sự xuất phát từ quy hoạch phát triển của từng địa phương. Như tại Lai Châu, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Lai Châu là cao su, chè, sản xuất lúa. Nhưng những nghề này lại không có trong danh mục đào tạo mà lại là dạy nghề nuôi công, nuôi phượng, nuôi trĩ hay sửa chữa xe máy, cơ khí... Thế nên vụ thu hoạch cao su vừa qua, người dân phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài sang đào tạo kỹ năng  thu hoạch” - ông Quảng cho biết.

Đại diện UBND tỉnh Hải Dương cũng cho rằng để người nông dân sống và làm giàu từ kết quả đào tạo nghề đã học là một mục tiêu mà Quyết định 1956 hướng tới, nhưng từ thực tế cho thấy vẫn rất ít địa phương làm được. Bởi trên thực tế, hiện giáo trình, giáo án rất đang áp dụng đối với người nông dân còn mang nặng tính lý thuyết, khó áp dụng thực tiễn. Trong khi người dân đang rất cần những chương trình, giáo án đơn giản để áp dụng thực tế. “Điều người nông dân đang mong mỏi là làm sao để sản lượng lúa chỉ cao. Cách nào để phòng dịch bệnh, hay trồng cái gì để tiêu thụ tốt....chứ không phải những giáo trình vĩ mô, không có tính thực tế…” - Đại diện UBND tỉnh Hải Dương nói.

Nhiều địa phương cũng chỉ ra những bất cập diễn ra  trong quá trình triển khai Đề án như: Hiện nay, theo Quyết định thì các Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm lên kế hoạch, đề xuất và triển khai đào tạo nghề cho LĐNT, nhưng thực tế việc tuyển sinh lại được giao cho các cơ sở đào tạo nghề. Hệ lụy là các trường chỉ quan tâm làm thế nào để tuyển sinh được nhiều học viên, còn chất lượng đào tạo thì bị bỏ ngỏ.

Đánh giá về hiệu quả của Quyết định 1956 đem lại, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho rằng, thành công nhất của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nâng cao nhận thức cho người dân. Bởi lâu nay quan niệm của người dân họ làm làm nghề nông nghiệp  không cần đào tạo. Tuy nhiên, nếu cứ giữ mãi phương thức đào tạo như hiện nay thì không chỉ lãng phí tiền của Chính phủ mà còn làm lãng phí thời gian và công sức của người dân. Do đó, việc đào tạo nghề cho nông dân cần xác định đào tạo để nâng cao chất lượng, có đối tượng cần được đào tạo để có việc làm.

Đưa ra giải pháp để việc đào tạo nghề cho nông dân đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, cần có thêm báo cáo cụ thể  từ các địa phương, đánh giá lại toàn diện từ khâu quản lý tới tổ chức. Đại diện tỉnh này cũng cho rằng, sự kết hợp của hai Bộ (NN&PTNT và Lao động - Thương binh & Xã hội) hiện vẫn không đạt được hiệu quả khi triển khai về địa phương. Do đó, nên cân nhắc Đề án quy về một mối, trong đó chỉ rõ Bộ NN&PTNT đảm nhiệm dạy nghề cho LĐNT và các Sở NN&PTNT các tỉnh phải có trách nhiệm đi tìm đối tượng học nghề.

Đồng quan điểm với ông Quảng, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long mong muốn Đề án phải gắn kết được với người nông dân với Ngân hàng chính sách, để người dân sau đào tạo nghề được vay vốn để thực hành những kiến thức đã được đào tạo.

Phạm Thanh