1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

“Vua rừng xanh” với chiếc chân giả

(Dân trí) - Xuất ngũ trở về địa phương với 1 chiếc chân giả, người thương binh hạng 2/4 vẫn quyết tâm trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, làm giàu ngay trên vùng đất khó của quê hương mình.

“Vinh cụt” với thói quen thăm rừng mỗi ngày.
“Vinh cụt” với thói quen thăm rừng mỗi ngày.
 
Cả thời gian dài chịu nhiều gian khổ, anh đã trồng được trên 50 ha rừng với các loại cây như mét, keo, tràm. Cùng với việc phát triển chăn nuôi, trang trại của “Vinh cụt” đang mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Đinh Sỹ Vinh, xóm 5, xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An được nhân dân thán phục gọi là vua rừng xanh.

“Vừa cụt, vừa khùng”

Anh Đinh Sỹ Vinh, sinh năm 1957, ở vùng quê nghèo thuộc huyện miền núi Anh Sơn, rồi cũng như bao chàng trai thuở đó, năm 1978, anh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Trong suốt thời gian quân ngũ, anh tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại đất nước bạn Campuchia. Năm 1983, trong một trận chiến đấu với bọn phản động Pôn Pốt bảo vệ nhân dân, anh vướng phải mìn và vĩnh viễn mất hẳn chân phải. Sau quãng thời gian dài được chữa trị, năm 1993, anh Vinh được trở về với gia đình.

Người thương binh nặng chua xót khi thấy cảnh vợ con mình phải sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Với bản chất của một người lính, anh quyết tâm tìm tìm phương hướng phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng ở vùng đất cằn cỗi, việc làm giàu không dễ. Rồi như một cơ duyên, những năm đó đất nước ta có chủ trương giao đất, giao rừng tới từng hộ gia đình, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong khi người dân địa phương còn ái ngại với chủ trương lớn, anh Vinh đã xung phong nhận hàng chục ha rừng tại khu vực núi Khe Nải heo hút. Năm 1998, anh thương binh với chiếc chân giả một mình vào dựng lán, khai hoang ruộng trồng lúa, đắp đập thả cá, làm trại chăn bò. Cùng với đó, anh học cách lấy hạt ươm cây giống, rồi hàng ngày gùi keo trồng trên những diện tích đồi trọc được giao khoán.
 
Thương binh Hạng 2/4 nhưng anh vẫn miệt mài trồng, chăm sóc rừng suốt 20 năm qua.
Thương binh Hạng 2/4 nhưng anh vẫn miệt mài trồng, chăm sóc rừng suốt 20 năm qua.

Thế nhưng thiên nhiên như muốn thử sức lòng người, khi “Vinh cụt” vừa thả vụ cá đầu tiên và chờ ngày thu hoạch thì trời đã giáng xuống một trận mưa lớn. Nước từ đầu nguồn chảy về dữ dội làm vỡ đập khiến bao nhiêu công sức, tiền của đều bị cuốn ra sông, ra biển. Tai họa chưa chịu dừng lại, cũng trong năm đó, 3 con bò mà anh bỏ vốn mua về để nhân giống cũng lăn đùng ra chết chẳng rõ nguyên nhân. “Thất bại đầu tiên khiến tôi trở nên trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Mọi người khuyên can tôi nên bỏ cái xứ rừng núi về nhà dựa vào đồng lương thương binh mà sống an nhàn”, anh Vinh nhớ lại.

Thế nhưng người thương binh không dễ dàng chấp nhận thất bại, tiếp tục bắt tay làm lại từ đầu. Anh huy động anh em thân thích vào đắp lại đập bị vỡ, mở rộng kênh thoát nước đề phòng khi mưa lớn. Tiếp tục vay mượn mua bò, heo để phát triển chăn nuôi. Anh Vinh tâm sự: “Mọi người thấy tôi thân thể không lành lặn, một mình lủi thủi trong rừng vậy nên bảo là cái thằng vừa cụt, vừa khùng. Nhưng lúc đó, tôi vẫn tin là chắc chắn sẽ thành công nên lao vào làm không biết mệt mỏi. Khi đập nước đã kiên cố, cá đã thả, bò sinh trưởng tốt, mỗi ngày tôi đều đưa cây giống lên đồi để trồng mà chẳng biết mình đã trồng được bao nhiêu ha. Chỉ biết thấy cây phát triển tốt là vui rồi”.

Điều ước không dành riêng cho mình

Sau hơn 10 năm, giờ đây khu vực đồi núi Khe Nải của anh thương binh Đinh Sỹ Vinh đã trở thành một trang trại, với cây cối bạt ngàn. Đến thời điểm hiện tại, anh Vinh đã trồng được trên 50 ha rừng, gồm các loại cây chủ lực như mét, keo, tràm. Có trên 1ha diện tích mặt nước thả cá, đàn bò lên đến chục con…Người thương binh hạng 2/4 không còn đơn độc khi có vợ con, người thân vào tiếp sức để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi năm trang trại ở Khe Nải đang mang lại cho gia đình anh số tiền 100-150 triệu đồng. Nhân dân trong vùng thấy hiệu quả của việc trồng rừng mà “Vinh cụt” đang làm cũng học theo. Cứ như vậy đồi trọc ở xã Vịnh Sơn, huyện Anh Sơn đã xanh trở lại chỉ trong một thời gian ngắn.

Hôm chúng tôi vào thực địa trang trại của anh, anh đang đốc thúc tốp nhân công địa phương khai thác diện tích keo trưởng thành để bán. Rồi anh lại dẫn một nhóm thợ xây dựng đi xem vườn mét để họ mua làm giàn giáo công trình. “Hiện tại diện tích rừng cho khai thác đã lên đến con số vài chục ha đấy chú à! Có nguồn thu nhập nên kinh tế gia đình cũng đỡ khổ rồi. Nhưng lại thấy muốn đầu tư để xây dựng trang trại quy mô hơn nên thấy mình lúc nào cũng thiếu vốn và bận rộn hơn”, anh Vinh tâm sự.
 
Giờ đây anh có thể mãn nguyện khi rừng quê hương đang xanh tốt trở lại.
Giờ đây anh có thể mãn nguyện khi rừng quê hương đang xanh tốt trở lại.

Giờ đây, với số tiền thu nhập do trang trại mang lại, thương binh Nguyễn Đình Vinh có quyền được hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Thế nhưng anh lại chọn cho mình một cách khác biệt, hàng ngày vẫn vác dao lên rừng để chăm sóc, tỉa cành cây, phát quang rừng trồng. Anh nói: “Tôi gắn bó với rừng núi đã 20 năm nay, làm quần quật cả ngày nhưng chưa bao giờ bị một trận ốm nào cả. Chỉ có lúc thời tiết thay đổi thì vết thương mới đau nhức. Nhưng giờ mà bắt tôi phải bỏ rừng thì chắc tôi ốm thật”.

Cùng với việc khai thác rừng trồng thành phẩm, anh Vinh vẫn tiếp tục trồng mới trên diện tích trang trại rộng 68 ha mà mình được giao khoán. Cứ lớp cây này khai thác hết, lại có lớp cây khác mọc lên xanh tốt. Chính vì thế mà bà con ở đây đã quen gọi anh là vua rừng xanh. Khi chia tay chúng tôi, người thương binh ấy chia sẻ ước mơ rằng: “Mong sao cho rừng xanh tốt, giá cả bán gỗ nguyên liệu hợp lý để đến khi thu hoạch lứa cây tiếp theo, tôi sẽ đóng góp để chính quyền địa phương xây ngôi trường khang trang cho các cháu trong xã ăn học đàng hoàng.”

Nguyễn Duy