Vua đồ cổ Hồ Tấn Phan và triết lý cổ vật... giai nhân
(Dân trí) - Có người gọi ông là “Vua đồ cổ”, “Học giả”, “Nhà nghiên cứu Huế”, “Sử gia”, nhưng cũng chẳng ít người gọi ông là “Ông già gàn”! Nhưng cách gọi “thông tấn” nhất về ông có lẽ là người mở đường cho nghề mò tìm cổ vật trên sông Hương.
Triết lý từ chuyện... tán
Nghe tôi tỏ ý định về nhà ông Phan, người bạn Huế đã cười khảy: "Năm nào chẳng hàng chục nhà báo lần về ông Phan, người ta viết cạn mực, hết giấy ra rồi, còn gì nữa mà viết với vẽ". Đánh liều lên Google gõ từ khóa "Hồ Tấn Phan", quả thật, có tới hơn 3.000 kết quả! Thậm chí, có người còn dọa "Muốn phỏng vấn ông Phan phải trả thù lao cho ông, có khi bạc triệu".
Giai thoại được nhiều lần thêu dệt
Nghe tôi mách lẻo có kẻ gieo tiếng xấu cho ông, ông Phan cười xòa, bởi theo ông, việc đặt điều lắm lúc cũng lại hay. Đã một lần được một người quen "đặt điều" một câu chuyện ra chiều duy tâm: Rằng có kẻ thấy nhà ông Phan lắm đồ cổ lại để khắp vườn chẳng thèm cửa ngõ bèn nảy lòng tham vào khoắng ít món. Về nhà chưa biết dùng vào việc gì thì đột nhiên đổ bệnh, thuốc thầy mãi không khỏi. Kẻ tham lam nọ nghĩ ngay đến những món đồ nhà ông Phan, liền gói ghém mang đến trả và làm lễ cúng bái trước vườn nhà ông. Quả nhiên hết bệnh. Ông Phan nào biết tên đạo chích rủi vận đó có tồn tại trên đời hay không, nhưng có lẽ nhờ đó mà ông chẳng thèm rào dậu, đóng cửa ngõ mà các món đồ trong vườn nhà ông, chẳng mất món nào.
Ông Hồ Tấn Phan nguyên là một nhà giáo. Năm 1977 ông nghỉ mất sức và bắt đầu theo đuổi niềm đam mê sưu tập cổ vật, sách cổ. Hiện ông có khoảng trên 10.000 cổ vật các loại cùng hàng nghìn cuốn sách quý.
Không thừa nhận mình là một nhà nghiên cứu Huế, nhưng ông Phan là một kho kiến thức khổng lồ về lịch sử đất Thần kinh, đặc biệt là về thời nhà Nguyễn.
Đã 70 tuổi, ông Phan chỉ có 2 ước mơ: Một là những món đồ cổ vớt dưới đáy sông Hương được đem ra triển lãm. Hai là khi nhắm mắt được chôn trên núi Ngự Bình để được hầu vua Quang Trung. |
Rồi tiện ông kể luôn một giai thoại khác về mình, rằng ông "gàn" đến mức trên mặc áo vest, dưới... mặc quần đùi (thậm chí còn có dị bản là dưới không mặc gì). Chuyện là năm 1999, Huế gánh cơn lũ lịch sử. Lũ chẳng tha nhà ông, cuốn vào rồi cướp mất hàng nghìn cuốn sách cổ, trong đó có nửa sau của bài nghiên cứu công phu ông đang viết dở. Giới nghiên cứu đọc phần đầu tâm đắc lắm, nhưng đợi mãi chẳng thấy phần sau liền gọi hỏi: "Làm gì như người trên mặc vest, dưới mặc quần đùi thế này?". Tam sao thất bản thế nào, cuối cùng nhiều người quay ra gọi ông là người trên vest, dưới... quần đùi.
Ông Phan triết lý: "Hạnh phúc trên đời chỉ có hai loại thôi. Một là hạnh phúc thật, hai là thứ hạnh phúc giả nhưng đến khi nhắm mắt con người ta vẫn tưởng là thật". Có lẽ, ông là người hạnh phúc thật, bởi ông có một kho tàng vô giá thật, thành quả của 30 năm lao vào lòng sông Hương để đeo đuổi tình yêu với cổ vật. Và hình như với những người hạnh phúc, mọi thứ phù phiếm chẳng còn ý nghĩa gì.
Cổ vật và... đàn bà
Nhưng có một điểm khác đời của ông đó là trong khi lắm kẻ quân tử trút hết gia sản đổi lấy một nụ cười giai nhân thì của nả của ông lại "nướng" hết vào đồ cổ. Ông Phan có 7 đứa con thành đạt, luôn lo đủ cho ông tiền nong dưỡng già nhưng cứ hễ có tiền là ông lại bôn ra sông Hương mua cổ vật hoặc đi từ Bắc chí Nam để tầm sách quý. Đến sổ lương ông cũng mang đi thế chấp vì đồ cổ. Ông kể, có lần, nghe giới cổ vật đồn rằng dân vạn đò sông Hương vừa mò được một bình gốm quý liền hớt hải đến xem. "Kết" quá, ông say sưa ngả giá rồi ôm bình về mà quên mất rằng không mang theo đồng nào trong túi. "Vua đồ cổ" bèn cắn răng để bình lại, không quên dặn người bán bằng mọi giá giữ lại chờ ông xoay tiền. Chưa yên tâm, cả tuần liền ngày nào ông cũng đảo qua đôi lần để biết chắc bình quý vẫn chưa bị chủ nhân đem bán cho giới săn đồ cổ trả giá cao. Cuối cùng, vay giật bạn bè, "lột" cả tiền chợ của vợ ông mới được ôm cái bình trong tay như ấp ôm một người tình trẻ.
Nói khác đời cũng không hẳn phải. Đàn ông mê giai nhân vì cái đẹp, thì ông mê cổ vật cũng vì cái đẹp vậy. Có thể với người đời, những cái bình, lu, bát, chén sứt quai, mẻ vòi ngay đến giới đồng nát cũng bỏ đi, nhưng với ông mỗi món đồ đều ẩn trong nó một cái hồn. Hồn của văn hóa, của lịch sử, của cả những thế hệ ông cha. Ông có thể nói thao thao về một món đồ mà nhìn qua nó chẳng đáng một trinh, và kỳ lạ là sau khi nghe ông giảng giải thì món đồ đó trở nên vô giá. Ai lại đem văn hóa đi định giá bao giờ.
Tay mân mê lau chùi chiếc cối giã trầu bằng đồng thau mới mua được, ông Phan gật gù: "Có người hỏi tôi phụ nữ và đồ cổ có gì khác nhau. Tôi đã trả lời rằng: phụ nữ đẹp vậy đó nhưng chỉ có đàn ông mới thích, còn đồ cổ nhìn cũ kỹ, sứt mẻ vậy thôi mà ai cũng thích cả"!
Lê Hồng Kỹ